Người Chăn Nuôi Gà Gồng Mình Vì Giá Cám Tăng Cao

Thời gian gần đây, giá cả các loại cám gà biến động đã khiến các hộ chăn nuôi ở huyệnYên Thế (Bắc Giang) lo lắng.
"Bão" giá
Cách đây khoảng 3 năm, số tiền cám mà chị Chu Thị Hoàn, thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, đầu tư nuôi một nghìn con gà từ khi mới nở đến lúc xuất bán (khoảng 4 tháng) hết 40 triệu đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên 70 triệu đồng. "Giá cám tăng chóng mặt, nhưng gia đình tôi vẫn phải nuôi vì trót vay vốn ngân hàng để đầu tư", chị Hoàn giãi bày.
Không riêng chị Hoàn mà hầu hết các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Yên Thế đều than phiền vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá gà lại "giậm chân tại chỗ", thậm chí sụt giảm nên đã ảnh hưởng lớn tới thu nhập và việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Được biết, hiện nay, giá gà lông giống Mía lai ở mức 48 nghìn đồng/kg, gà Ri lai từ 50-52 nghìn đồng/kg, giảm 6-8 nghìn đồng/kg so với tháng trước. Thế nhưng, từ đầu năm 2011 đến nay, giá cám gà đã tăng 6 lần, mỗi lần giao động từ 5-7%, có thời điểm tăng 10%. Hiện mỗi 1kg cám gà có giá từ 12-13 nghìn đồng, tùy loại.
Ông Phạm Công Vân, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế băn khoăn: "Thực tế qua khảo sát giá ngô hạt và nguyên liệu khác để sản xuất cám gà rất rẻ, nhưng thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đây là vấn đề ngoài tầm kiểm soát của huyện".
Tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục "leo thang" đang là gánh nặng đè lên đôi vai các hộ nuôi gà ở Yên Thế. Với số lượng tổng đàn gà xấp xỉ 4,5 triệu con như hiện nay, mỗi ngày các hộ chăn nuôi sẽ phải trả thêm một khoản tiền lớn trước sự chênh lệch về giá cám so với những năm trước. Theo các hộ chăn nuôi, với giá cám và giá gà hiện tại, họ không có lãi, thậm chí lỗ.
Tìm cách hạ giá "đầu vào"
Trước tình hình giá cám tăng cao, Ban Chỉ đạo sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế khuyến cáo các hộ nuôi gà nên sử dụng thêm thức ăn có sẵn ở địa phương như cám gạo, ngô, sắn và các loại phụ phẩm để phối trộn nhằm giảm chi phí đầu vào. Hộ anh Nguyễn Văn Đạt ở thôn La Thành, xã Tiến Thắng hiện nuôi gần 2 nghìn con gà. Từ khi giá cám tăng, anh đã trực tiếp đi mua ngô hạt, sắn về nghiền tại nhà. Để bảo đảm nguồn thức ăn đủ thành phần dinh dưỡng, anh mua thêm cám đậm đặc về trộn lẫn, nhờ đó chi phí cho tiền cám mỗi ngày đã giảm tới 25- 30%.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng cho biết: Hiện trên địa bàn xã, các hộ chăn nuôi gà đã tăng cường sử dụng thức ăn phối trộn giữa cám đậm đặc với các loại nông sản khác. Tuy giá gà rẻ, nhưng xã vẫn duy trì được quy mô chăn nuôi ổn định với số lượng 210 nghìn con. Người chăn nuôi hy vọng vào dịp gần Tết giá gà sẽ tăng trở lại.
Ngoài giải pháp trên, nhiều hộ đề xuất các cơ quan chức năng của huyện Yên Thế cần tích cực tuyên truyền các hộ tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng của gà đồi Yên Thế. Mặt khác, tăng cường kiểm tra các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện vì rất có thể lợi dụng giá cám tăng, nhiều tư thương tung vào thị trường các loại cám kém chất lượng, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đặc biệt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thông báo công khai, rộng rãi để người chăn nuôi biết và lường tránh.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NN&PTNT, nhờ có sự chỉ đạo kịp thời cùng với việc các huyện, thành phố đều tuân thủ khung thời vụ kép kín, chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trước thời vụ sản xuất; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh hại cây trồng nên sản lượng lương thực vụ Xuân ước đạt 128,595 nghìn tấn, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm trước.
Sáng ngày 11.6, UBND huyện Bắc Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất nông lâm nghiệp vụ Đông – Xuân (2014 – 2015), triển khai sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2015 và Sơ kết công tác dồn điền, đổi thửa năm 2014, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2015.

Trong giai đoạn 2010- 2015, Đảng ủy, UBND xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba đã tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo và cùng với nhân dân vượt qua khó khăn, giành được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ XXIII đạt và vượt mức đề ra, đưa kinh tế tiếp tục có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 11%/năm.

Đó là kỹ sư thuỷ sản Nguyễn Thị Hằng, Phó phụ trách Trại sản xuất thuộc Trung tâm Giống hải sản cấp I, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tốt nghiệp trường Đại Học thủy sản năm 2004, làm việc tại doanh nghiệp tư nhân từ năm 2005 đến năm 2010, năm 2011 được tuyển dụng vào làm việc ở trại sản xuất nghiên cứu thử nghiệm giống thủy sản, đảm nhận cương vị cán bộ kỹ thuật.

Ngày 10/6, ông Hoàng Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) cho biết, trong 3 ngày qua, ngư dân Nguyễn Luân (trú thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền) đang huy động những bạn thuyền trong chi hội nghề cá của thôn để khai thác hết số cá nằm trong lưới vây rút chì mà ngư dân này đã đánh được tại vùng biển xã Vinh Hiền.