Người Chăn Nuôi Chú Trọng Tái Đàn

Sau dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi đã gạt những tổn thất sang một bên, tổ chức tái đàn với hy vọng lứa gia cầm mới sẽ đem lại thu nhập khá. Trong khi đó, người tiêu dùng không còn tâm lý e ngại mà đã trở lại sử dụng sản phẩm thịt gia cầm.
Tìm mối tiêu thụ
Sơn Hải là một trong những xã của Bảo Thắng (Lào Cai) phát hiện có ổ dịch đầu tiên trong tháng 2/2014. Tổng đàn gia cầm của xã là hơn 80.000 con, đợt dịch cúm vừa qua đã tiêu hủy 500 con gia cầm của các hộ chăn nuôi. Sau khi công bố hết dịch, người chăn nuôi của Sơn Hải đã tập trung cho việc tìm mối tiêu thụ lượng gia cầm tồn đọng. Một số hộ chăn nuôi lớn và trang trại chăn nuôi lập cơ sở giết mổ, các hộ khác thì tích cực tái đàn.
Ông Đinh Trường Minh, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, đến thời điểm này, toàn xã đã tái đàn được hơn 11.000 con gia cầm, chủ yếu nuôi theo mô hình nhỏ lẻ, gà thả vườn và nuôi gà chuồng lạnh. Mặc dù có dịch cúm gia cầm xảy ra, song, tổng đàn gia cầm năm 2014 của Sơn Hải vẫn sẽ tăng so với năm 2013.
Ngay sau khi có quyết định công bố hết dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi đã bắt tay đầu tư tái đàn. Anh Phạm Minh Quyền, thôn An Tiến, xã Sơn Hải đã tiêu thụ được 3.000 con gia cầm với giá 40.000 đồng/kg. Sau đó anh tiếp tục mua 9.000 con giống về nuôi. Theo anh Quyền, sau dịch bệnh, việc tiêu thụ gia cầm lại đi vào quỹ đạo, giá cả nhìn chung vẫn ổn định.
Nắm bắt được nhu cầu tái đàn của các hộ sản xuất, nhiều cơ sở giống trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã làm việc không kể ngày đêm. Công ty TNHH một thành viên Trường Trung mỗi ngày xuất chuồng 700 con gà giống và 300 con ngan giống. Chỉ 3 ngày sau khi có công bố hết dịch, cơ sở này đã nâng mức tiêu thụ lên trên 1.000 con giống/ngày.
Người tiêu dùng hết e ngại
Sau khi có công bố dịch cúm gia cầm tại huyện Bảo Thắng (ngày 14/2), hầu hết người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã vội quay lưng lại với sản phẩm thịt gia cầm, trong khi đó tại nhiều chợ cơ quan quản lý đã cấm bán gia cầm để tránh lây lan dịch, bệnh. Đến nay, người tiêu dùng đã trở lại sử dụng nguồn thực phẩm là gia cầm, không còn tâm lý hoang mang như trước. Điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay chính là chất lượng của các sản phẩm thịt gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phố Hợp Thành, phường Phố Mới (thành phố Lào Cai) đã bắt đầu sử dụng thịt gia cầm sau 1 tháng dùng thịt lợn và cá. Mặc dù đã không còn lo lắng về dịch cúm gia cầm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên trong gia đình, nhưng chị Hoa vẫn rất cẩn trọng khi lựa chọn thịt gia cầm. Chị Hoa cho biết: Chị thường mua gà tại các địa chỉ tin cậy và phải là gà “ta” không nuôi cám tăng trọng. Không chỉ riêng chị Hoa mà hầu hết người tiêu dùng đều mang tâm lý như vậy.
Cũng từ tâm lý người tiêu dùng, người chăn nuôi bắt đầu thay đổi phương thức từ nuôi công nghiệp, bán công nghiệp sang hình thức nuôi gà thả vườn. Tuy thời gian có sản phẩm bán dài hơn, nhưng lại được giá hơn so với nuôi công nghiệp. Còn các nông trại hoặc hộ chăn nuôi quy mô lớn vẫn tiếp tục duy trì nuôi gà lạnh, gà công nghiệp do đã có đầu ra ổn định.
Xu hướng chăn nuôi bền vững
Bảo Thắng là địa phương có quy mô chăn nuôi lớn của toàn tỉnh, nên rất dễ phát sinh ổ dịch hoặc lây lan từ địa phương khác do nhu cầu về sản phẩm gia súc, gia cầm tương đối lớn. Qua các đợt dịch bệnh, huyện Bảo Thắng cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó để hạn chế thiệt hại cho nông dân là việc hình thành vùng chăn nuôi theo hướng bền vững.
Ông Đỗ Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho rằng: Cách tránh dịch bệnh hiệu quả nhất là định hướng người dân chăn nuôi theo hướng bền vững. Nông dân phải làm quen với sản xuất an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường. Xây dựng khu giết mổ tập trung, khép kín.
Phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp nhằm định hướng nhu cầu thị trường, đảm bảo ổn định về giá và đầu ra đối với sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, để chăn nuôi mang tính bền vững cần có thời gian và sự thay đổi ý thức từ chính người chăn nuôi. Nếu đảm bảo được các yếu tố chăn nuôi bền vững, chắc chắn dịch bệnh sẽ khó xảy ra.
Với số lượng hơn 10.000 con gia cầm bị tiêu hủy, nông dân là người chịu tổn thất lớn nhất. Nhưng gạt nỗi buồn sang một bên, họ lại tiếp tục đầu tư tái sản xuất với niềm tin “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, vụ hè thu 2013 này, toàn huyện có khoảng 218ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ gây hại từ 30-40%, cá biệt một số cánh đồng tại Đại Hưng, Đại Thạnh, Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Hiệp bị chuột gây hại nghiêm trọng với tổng diện tích khoảng 56ha.

Đầu năm 2010, qua tìm hiểu anh Lê Đức Anh – thị trấn Tân Minh (Hàm Tân - Bình Thuận) biết giống ếch Thái Lan dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều diện tích cao su ở xã Thuận Hạnh, huyện Đác Song đã 10 năm tuổi mà thân cây chỉ bằng cổ tay, không cho mủ nên bị người dân chặt bỏ hoặc bỏ hoang.

Ở vùng nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Phúc, một hộ nuôi tôm (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) nói: “Ở địa phương này, đường sá đi lại khó khăn, nên thương lái ít vào đây thu mua tôm, cua… Nếu không có người thu mua tôm, cua, người dân ở đây sẽ gặp khó khăn”.

Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung…