Ngư tặc lộng hành

Đánh bắt bằng lừ xếp Trung Quốc - nghề mang tính hủy diệt vẫn còn phổ biến
Mất trộm trên ao nhà
Về các vùng đầm phá những ngày này rất dễ nhận thấy hoạt động đánh bắt tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) diễn ra công khai.
Tại Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy thuộc xã Hương Phong (TX Hương Trà) vào một buổi sáng, nhiều chiếc thuyền nhỏ ngang nhiên đánh bắt cá ngay trong khu bảo vệ.
Ông La Tiềm, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Đông Phong, xã Hương Phong chỉ tay về phía những chiếc thuyền nhỏ, bảo: “Đó là những ghe đang đánh bắt cá trái phép.
Mặc dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, xử phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
Nếu xua đuổi ban ngày thì họ lén lút khai thác vào đêm khuya.
Không chỉ đánh bắt ngay trong vùng cấm, họ còn sử dụng các loại lừ xếp Trung Quốc, xung điện có tính hủy diệt để khai thác”.
Tại vùng đầm phá huyện Quảng Điền thời gian gần đây, ngư tặc không chỉ lộng hành trong các khu bảo vệ mà còn cả những vùng nuôi trồng thủy sản của người dân.
Lợi dụng các lực lượng sơ hở, thiếu cảnh giác, ngư tặc ngang nhiên đánh bắt cá tôm trong các khu bảo vệ NLTS; “tấn công” luôn cả các ao hồ nuôi tôm, cá của người dân.
Có thời điểm chỉ trong vòng một tháng, ngư tặc đã 5 lần vào ao hồ của người dân thôn Mai Dương (xã Quảng Phước) đánh bắt trộm.
Chi hội Nghề cá thôn Mai Dương thường bị thiệt hại lớn do nạn ngư tặc lộng hành, có khi họ cướp đi nhiều trộ chuôm, ước thiệt hại vài chục triệu đồng.
Các ao hồ nuôi tôm, cá của hộ ông Hoàng Đạo, Đặng Phước Vĩnh, Nguyễn Thành… ở thôn Mai Dương từng bị thiệt hại lớn, thậm chí mất trắng do ngư tặc.
Không chỉ NLTS trên đầm phá mà ngay cả vùng biển cũng đang bị xâm hại.
Ông Trần Văn Hà, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá ven bờ xã Vinh Thanh (Phú Vang) bức xúc: “Khi chưa có tàu giã cào, tôm cá ở gần bờ nhiều lắm.
Mỗi ngày bà con đánh bắt thu được vài triệu đồng.
Từ ngày xuất hiện tàu giã cào, NLTS ngày càng ít dần, thậm chí cạn kiệt”.
Đánh bắt hủy diệt đã đành, tàu giã cào còn kéo luôn cả ngư lưới cụ của người dân, gây thiệt hại lớn.
Trong số khoảng 70 thuyền đánh bắt gần bờ của ngư dân xã Vinh Thanh đều bị giã cào tàn phá lưới cụ, có hộ bị thiệt hại đến 50 triệu đồng, hộ ít nhất cũng 15 triệu đồng.
Phản ánh của người dân vùng biển xã Phong Hải (Phong Điền), thời gian gần đây tình trạng đánh bắt hải sản bằng mìn diễn ra khá phổ biến.
Hầu hết các tàu đều ở các tỉnh khác, họ kích mìn nổ chỉ cách bờ chưa đầy cây số.
Có ngày, chỉ cách vài giờ đồng hồ, người dân lại nghe tiếng nổ lớn.
Ông Hoàng Hữu Đạo ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải lo lắng: “Cứ đánh bắt bằng mìn thế này thì cá tôm liệu có còn cho các thuyền nan đánh bắt gần bờ? Cứ mỗi lần mìn nổ, cá nổi đầy trên mặt biển, họ chỉ vớt cá lớn, còn cá nhỏ trôi dạt vào bờ”.
“Chính tàu đánh bắt bằng giã cào, bằng mìn khiến hải sản ngày càng cạn kiệt.
Ngày trước, mỗi chuyến đánh bắt chở về đầy ắp tôm, cá nhưng nay chỉ đủ bữa ăn, may ra bán được vài trăm ngàn đồng”, ông Võ Viên ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải tiếp lời.
Chống trả lực lượng thi hành công vụ
Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sầy được thành lập từ giữa năm 2014 với diện tích 33 ha, giao cho Chi hội Nghề cá Đông Phong quản lý.
Từ khi khu bảo vệ ra đời, người dân rất phấn khởi, ý thức được lợi ích mà chính họ là người hưởng thụ, chung tay cùng chính quyền địa phương ra sức bảo vệ NLTS tại đây.
Ông La Tiềm trăn trở: “Thách thức lớn nhất hiện nay là lực lượng hội viên mỏng, lại thiếu phương tiện và kinh phí mua nhiên liệu nên công tác tuần tra, xử lý vi phạm không thường xuyên.
Hoạt động của ngư tặc thường vào đêm khuya nên rất khó phát hiện.
Thuyền đò tuần tra chủ yếu mượn của ngư dân, nhưng công suất nhỏ không thể đuổi bắt kịp các xuồng máy đuôi tôm, hay đò công suất lớn.
Manh động hơn là ngư tặc không ngần ngại chống trả lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Cách đây mấy năm, ông Võ Đà, Công an thị trấn Sịa (Quảng Điền) bị ngư tặc đâm trọng thương khi truy bắt.
Ông Nguyễn Khôi, Trưởng thôn Mai Dương, xã Quảng Phước lo lắng: Ngư tặc thường đi theo băng nhóm rất đông, tỏ ra thách thức lực lượng chức năng.
Trong khi phương tiện của các chi hội nghề cá còn thô sơ, lực lượng lại mỏng không đảm bảo cho việc truy bắt.
Nhiều lần phát hiện, các đối tượng thông báo với nhau kéo đến hàng chục người, sử dụng dao, kiếm, gậy sắt chống trả quyết liệt rồi nổ máy tẩu thoát”.
Đó là có lực lượng chức năng, còn với người dân khi phát hiện có ngư tặc chỉ biết đứng nhìn, truy hô.
Đến khi báo tin lực lượng chức năng đến thì bọn chúng đã tẩu thoát.
Đây chính là khó khăn, thách thức khiến nạn ngư tặc vẫn tồn tại và ngày càng manh động.
Đánh bắt hải sản trên biển, theo quy định, nghề giã cào chỉ được đánh bắt cách bở 40 hải lý trở ra.
Nhưng nhiều tàu công suất lớn ở Đà Nẵng, Quảng Nam… vẫn ngang nhiên đánh bắt chỉ cách bờ một vài hải lý.
Tại vùng biển xã Vinh Thanh, lực lượng chức năng đã từng xử phạt một số tàu từ vài chục triệu đến 50 triệu đồng, nhưng vẫn còn nhiều vụ vi phạm không thể phát hiện kịp thời để truy bắt, xử lý.
Ông Đào Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh chia sẻ: “Phương tiện của người dân, cũng như các lực lượng chức năng còn thô sơ, công suất nhỏ, trong khi các tàu giã cào, đánh bắt bằng mìn công suất lớn từ 400CV trở lên nên công tác truy bắt, xử lý vi phạm rất khó.
Các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ còn nhiều hạn chế, chỉ được sử dụng roi điện là không ăn thua”.
TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS tỉnh cho rằng, một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế, ngăn chặn vấn nạn ngư tặc là cấp quyền quản lý, khai thác thủy sản trên đầm phá, ven biển cho người dân, các chi hội nghề cá; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ NLTS.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá và một số vùng biển được cấp cho các địa phương quản lý, song vẫn còn rất hạn chế so với mặt nước đầm phá, ven biển trên địa bàn tỉnh…
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trở lại đây, nông dân ngày càng xa rời cây mía vì cho rằng Nhà máy Đường Phổ Phong (Nhà máy) ép họ trong quá trình đầu tư sản xuất cũng như thu mua. Niên vụ 2013 - 2014, Nhà máy thu mua mía nguyên liệu với giá 850.000 đồng/tấn loại 10 chữ đường (CCS), thấp hơn năm trước 50.000 đồng/tấn.

Cách nay hơn 4 năm, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đầu ra của loài vật nuôi này rất bấp bênh. Trong khi đó, chồn mướp là vật nuôi mới lạ, cho giá trị kinh tế cao mà số lượng hộ nuôi không nhiều. Vì thế, anh Nhi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, cách làm chuồng...

Năm 2014, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 160 con bò, 130 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật. Sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình như: Cách tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, cho ăn thức ăn hỗn hợp kết hợp thức ăn thô xanh, cách trồng và ủ chua thức ăn xanh… nên đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng trọng bình quân 738,5 g/con/ngày, bình quân mỗi bò vỗ béo cho lãi từ 1,5 - 2 triệu đồng/con/tháng. Như vậy nuôi bò vỗ béo cho hiệu kinh tế cao hơn so với nuôi thông thường > 15%.

Theo các nhà vườn trồng cam xoàn trong huyện, hàng năm mỗi héc-ta cam xoàn cho năng suất từ 20-25 tấn trái/năm, có thể thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng. Theo dự báo của ngành nông nghiệp huyện, diện tích trồng cam xoàn ở huyện Long Mỹ sẽ còn tăng nhiều trong thời gian tới.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015, tỉnh ta sẽ phát triển đạt 5.000ha cam, quýt. Và theo mục tiêu phát triển của tỉnh, từ năm 2016 – 2020, mỗi năm toàn tỉnh sẽ tiếp tục trồng mới 350ha, đầu tư thâm canh xây dựng vườn cam kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm 400ha.