Ngủ Dậy Mất Trộm Cả... Vườn Hoa

Nhiều vụ trộm hoa trong đêm ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khiến người trồng hoa điêu đứng.
Ông Trần Minh Thắng, ngụ khu Thánh Mẫu, P.7, TP.Đà Lạt, cho biết đêm 2.11, trước khi đi ngủ ông còn đến rọi đèn pin thấy vườn hoa 1.000 m2 còn nguyên, nhưng chỉ sau một đêm thức dậy bị trộm dọn sạch.
Theo ông Thắng, 18.000 gốc cát tường trong vườn bị trộm ước khoảng 1 tấn hoa; với giá hoa ổn định từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, thiệt hại gần 70 triệu đồng. Bà Trần Thị Linh Tiên (vợ ông Thắng) cho biết kẻ trộm đã nhổ cả gốc và còn phá luôn giàn lưới nâng hoa, giẫm đạp cả những luống hoa còn non.
“Đêm 31.10, vườn hoa này đã bị trộm lẻn vào cắt rồi, tưởng chúng sẽ “tha”, không ngờ lần này chúng lại dọn sạch cả vườn. Tôi trồng hoa gần 10 năm nay, nhưng chưa khi nào bị trộm nhổ nguyên vườn hoa như lần này”, ông Thắng xót xa nói.
Trước đó, nhiều vụ trộm hoa tương tự xảy ra trên địa bàn. Đêm 14.10, trộm đột nhập vào vườn hoa của gia đình ông Trần Trung Hải (cuối khu Thánh Mẫu), bẻ trộm cả vườn hoa đồng tiền, sản lượng trên 4.000 cành hoa. Ông Hải cho biết bọn trộm giẫm đạp hư cả vườn hoa, hút thuốc lá bỏ lại cả đống đầu lọc và còn để rơi chìa khóa xe máy trong vườn. Tiếp đó, đêm 18.10, trộm lại lẻn vào vườn hoa của anh Cao Đăng Trình (gần vườn ông Hải) bẻ trộm hơn 2.000 bông đồng tiền.
Đầu tháng 9.2014, vườn hoa cẩm chướng của ông Nguyễn Thanh Hướng (khu Đa Thiện, P.8, Đà Lạt) cũng bị trộm đột nhập bẻ trộm hơn 4.000 cành hoa cẩm chướng. Không chỉ bẻ trộm hoa, kẻ gian còn giẫm nát vườn hoa, làm ông Hướng thất thu gần một tháng sau. Ông Hướng cho biết có trình báo tổ dân phố vụ mất hoa nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng tới ghi nhận vụ việc.
Tối 3.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Thanh Hiếu, Trưởng công an P.7 (Đà Lạt) nhìn nhận trước đây trên địa bàn phường có xảy ra những vụ trộm hoa quy mô nhỏ, nhưng nay “mới nghe dân báo bị trộm cả vườn hoa chỉ trong một đêm”. Ông Hiếu cho biết sẽ nắm thêm tình hình để tăng cường lực lượng tuần tra, họp dân lập các tổ tự quản khi hoa gần đến ngày thu hoạch để ngăn chặn kẻ gian. “Nếu phát hiện kẻ gian trộm hoa, người dân cần báo ngay cho công an phường”, ông Hiếu nói.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.

Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.

Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.