Ngư Dân Xã An Hải (Huyện Tuy An) Phấn Khởi Vì Được Mùa Cá Cơm

Khoảng một tháng nay, nhiều ngư dân ở xã An Hải (Phú Yên) được mùa cá cơm nên rất phấn khởi. Sau một đêm đi biển, thuyền khai thác ít nhất cũng được 20kg cá, thuyền nhiều trên 100kg nên ngư dân có thu nhập khá.
Hơn một tháng nay, cứ vào khoảng 5 giờ sáng, bãi biển xã An Hải tấp nập xuồng chèo cập bến. Trên bờ, nhiều người chờ sẵn để mua, bán cá mà ngư dân ở đây đánh bắt được. Khi thuyền vừa vào bến, những người thu mua cá tranh thủ tiếp cận để cân cá cho kịp buổi chợ sớm.
Theo ông Đặng Văn Sáu ở xã An Hải, đợt này cá cơm săn xuất hiện khá dày ở vùng biển gần bờ thuộc khu vực xã nên nhiều người có thu nhập cao. Ông Sáu cho biết: “Gia đình tôi làm nghề này đã hơn 15 năm nhưng chưa năm nào cá cơm nhiều như năm nay. Lưới dùng đánh bắt cá cơm là lưới lâm, mỗi thuyền khoảng 4 tấm, mỗi tấm dài hơn 10m, giá mỗi tấm lưới gần 1 triệu đồng.
Mặc dù thời gian đánh bắt chỉ diễn ra trong đêm nhưng mỗi chuyến biển gia đình tôi thu nhập một khoản lớn. Vì đánh cách bờ khoảng 1 hải lý trở lại nên chi phí xăng dầu không tới 100.000 đồng, nhưng có đêm tôi đánh bắt được cả 100kg cá. Với giá cá hiện nay khoảng 45.000 đồng/kg, chỉ trong 4 đêm, gia đình tôi thu được hơn 10 triệu đồng”.
Ông Trương Ngọc Hùng cũng là ngư dân ở An Hải, cho biết, ở đây có nhiều người sinh sống bằng nghề lưới lâm, chuyên đánh bắt cá cơm. Do cá xuất hiện dày, nhiều người mua lưới, sắm thuyền để tham gia đánh bắt. Gia đình ông Hùng lâu nay hành nghề mành tôm, khoảng nửa tháng nay ông chuyển sang nghề lưới lâm và mỗi đêm cho thu nhập hơn 1 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Thúy Hồng, chuyên mua cá cơm ở xã An Hải, cho biết: “Cách nay khoảng một tuần, giá cá cơm săn ở mức 50.000 đồng/kg, nhưng mấy ngày gần đây do cá nhiều nên hạ còn khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Tôi mua cá, sau đó bán lại cho các lò trụng để chế biến cá cơm khô, một số ít còn lại tôi bán ở các chợ lân cận”.
Theo UBND xã An Hải, dùng lưới lâm để đánh mắt cá cơm săn là công việc phụ của ngư dân và tự phát. Ban đầu tại xã chỉ có khoảng 70 hộ tham gia đánh bắt, nhưng nay tăng lên gần 100 hộ. Từ đầu tháng 6 đến nay, ngư dân xã An Hải đánh bắt được khoảng 7 tấn cá cơm.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 9.9, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp (BQL DA CTNN) tỉnh Bình Định phối hợp với đơn vị tư vấn là Bộ môn chăn nuôi chuyên khoa (Trường Đại học Nông Lâm Huế) tổ chức hội thảo tổng kết chủ đề xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi bò. Đây là một trong những hoạt động của DA CTNN do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Mùa cải tạo đầm - vuông tôm năm 2012, nhân dân trong huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã thực hiện theo sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi. Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn gần 200 hộ vi phạm: cải tạo ao, đầm bằng cơ giới; trong đó các xã, thị trấn đã cảnh cáo, nhắc nhở 85 trường hợp, ra quyết định xử phạt hành chính trên 100 trường hợp.

Trong những năm gần đây, người nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thiệt hại do dịch bệnh, do nguồn nước mặn cung cấp cho ao nuôi trong mùa mưa liên tục bị thiếu hụt. Để cải thiện tình hình này, nhiều hộ nông dân trong huyện áp dụng phương pháp ương nuôi tôm trong nhà vèo và thu được kết quả khả quan.

Từng làm việc trong một doanh nghiệp ngành Than với mức lương ổn định trên 7 triệu đồng/tháng thế nhưng Đinh Hữu Hiền (khu 6, phường Bắc Sơn, TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã quyết định nghỉ việc để về nhà nuôi gà. Anh Hiền tâm sự: Thời điểm cách đây 5 năm, 7 triệu cũng là to, với mức thu nhập ấy nhiều người muốn xin vào làm.

Với sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Quảng Bình đang đi những bước cuối cùng chuyển toàn bộ khu nuôi tôm công nghiệp 120ha của Công ty Sông Gianh cho người dân xã Phú Trạch sản xuất trong tháng 9, chấm dứt việc bỏ hoang gần 10 năm nay.