Ngư dân trúng đậm mực khơi

Theo ngư dân Nguyễn Văn Thanh (58 tuổi, ở thôn Tân Dinh), Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, gần một tháng qua ngoài vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An, cách đất liền khoảng 18 đến hơn 20 hải lý xuất hiện rất nhiều luồng mực và các tàu ra vùng này khai thác đều trúng đậm mực với số lượng lớn, sau 5 - 6 ngày đã đầy khoang và vận chuyển về các cảng cá được thương lái thu mua tại chỗ với giá cao.
Đây là mùa vụ trúng đậm mực nhất trong mấy năm trở lại đây, mang lại thu nhập cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu về 60 - 80 triệu đồng mỗi chuyến đi, nên ngư dân rất phấn khởi. Còn ngư dân Trường Giang (63 tuổi, ở xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân), chủ hai tàu cá HT90001TS và HT90002TS, công suất 300CV/tàu cho biết, từ tháng 6 đến nay mỗi chuyến đi biển đánh bắt được ít cá, nhưng bù lại đều “tóm” được hàng tạ mực ống, thu được hàng trăm triệu đồng.
Phát hiện được luồng mực nên cứ cập bến xong bán sản phẩm là 5 đội tàu của ngư dân ở xã Xuân Hội lại tiếp tục quay trở ra vùng biển Hòn Mắt đánh bắt và thuyền nào cũng tiếp tục trúng đậm mực. Phấn khởi hơn là chi phí khai thác giảm, hải sản lại được giá cao, bình quân đạt hơn 200.000 đồng/kg mực…
Ông Dương Trọng Bình, Phó Chủ tịch Hội nông dân, kiêm phụ trách tàu thuyền xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, đợt này ngư dân trúng đậm “lộc biển”, chủ yếu là loại mực ống. Mỗi tàu (có 6 - 7 thuyền viên) ra khơi chừng 1 tuần đều khai thác được từ 4 - 6 tạ mực, vận chuyển về các bến cảng bán tại chỗ cho thương lái với giá thấp nhất 175.000 đồng/kg, cao nhất 220.000 đồng/kg, mực to nhất gần 1kg/con, bình thường từ 3 - 5 con/kg. Sau khi trừ chi phí, thuyền viên đều “bỏ túi” trên 5 triệu đồng/người.
Trong 1 tháng qua, mỗi ngày có 7 - 10 tàu của xã Thạch Kim trúng đậm hàng chục tấn mực, mang về tổng nguồn thu toàn xã trên 5 tỷ đồng. Trong đó, được nhiều nhất là tàu HT90113TS của ngư dân Trần Đình Yên, ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà khai thác mực đạt trên 1,5 tấn, thu về hơn 320 triệu đồng, tiếp đó là tàu HT90146TS của ngư dân Trương Quang An, cũng ở xóm Xuân Phượng, khai thác được hơn 1 tấn mực, thu về hơn 200 triệu đồng…
Còn ông Trần Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết, gần 1 tháng qua, ngư dân vùng biển Cẩm Nhượng nhộn nhịp hẳn lên. Mỗi chuyến ra khơi 5 - 6 ngày, nhiều tàu kiếm được 80 triệu đồng, tàu ít cũng có 50 - 60 triệu đồng. Sản lượng vụ thủy hải sản năm nay toàn xã đạt khoảng 800 tấn, trong đó mực chiếm hơn 1/2, còn lại là các loại hải sản khác. Riêng sản lượng mực thì gấp 3 lần so với vụ trước. Mặc dù sản lượng khai thác hải sản 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng giá trị lại tăng gần 2 lần bởi sản phẩm mực có giá bán khá cao...
Việc liên tiếp được mùa mực ống, kết hợp với sau khi các tàu vào cập bến, cánh thương lái (chủ yếu là chị em phụ nữ) đổ về tiếp cận thu mua tại chỗ nhanh chóng và bán được với giá cao, càng khích lệ ngư dân phấn khởi, tạo niềm tin để đầu tư nâng cấp thêm tàu thuyền, ngư cụ yên tâm bám biển, bám ngư trường lâu dài. Ngoài ra, còn tạo nhiều công ăn việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho một bộ phận người dân địa phương đang tham gia phục vụ, kinh doanh hậu cần nghề cá trên bờ…
Theo ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, những tháng gần đây, các loại tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên hoạt động liên tục với các nghề câu, lưới kéo, vó, lồng bẫy, chụp mực đã góp phần quan trọng tăng sản lượng và trị giá sản xuất. Tổng sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt hơn 17.000 tấn, trị giá 539 tỷ đồng, đạt 53,36% so kế hoạch năm 2015, tăng 13,47% so cùng kỳ năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

90% số hộ chăn nuôi ở Đồng Nai hiện đang nuôi gia công cho các DN nước ngoài, trong đó lớn nhất là C.P”, L., chủ một trại chăn nuôi ở Đồng Nai bộc bạch. Anh L. trước đây cũng từng làm chủ DN nhưng thị trường chăn nuôi quá bấp bênh, đầu ra không ổn định nên cuối cùng phải chấp nhận nuôi gia công cho C.P, lợi nhuận thấp hơn nhưng “thu nhập ổn định”.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc truyền thông Big C Việt Nam - cho biết, từ đầu năm tới nay, giá xăng giảm nhiều lần nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ giảm ở mức vài trăm đồng nên các nhà cung cấp không điều chỉnh giá tương ứng. Tuy nhiên, lần giảm giá ngày 7/11 nhiều hơn nên siêu thị sẽ có công văn đề nghị nhà cung cấp xem xét lại mức giá hàng hóa hợp lý.

Tham dự hội nghị có PSG – TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Trần Phi Hổ. Về phía tỉnh Đồng Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Châu Hồng Phúc đến dự.

Đội bảo vệ BQLCB huyện Gò Công Đông hiện có 17 người tham gia, gồm 5 chòi canh, 6 phương tiện thủy với nhiệm vụ bảo vệ trên 2.000ha diện tích cồn bãi. Trong đó, BQLCB huyện nuôi 350ha thuộc cù lao cồn Ông Mão, phần còn lại do người dân ven biển nuôi.

Các hộ tham gia đánh giá, mô hình giải quyết được việc ô nhiễm môi trường và mùi hôi thối do chất thải trong chăn nuôi gây ra, giúp đàn vật nuôi khỏe mạnh, tăng trọng nhanh, giảm đáng kể số lượng điều trị thuốc thú y, hạn chế được rủi ro do dịch bệnh lây lan, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng lợi nhuận cho người nuôi khoảng 20% so với cách nuôi truyền thống.