Ngư dân trúng đậm cá ngừ

Chúng tôi có mặt tại cảng cá Tam Quang (Núi Thành) đúng vào lúc tàu cá QNa-91097 của ngư dân Phạm Thanh Nam (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) cập bến. Trên bờ, các thương lái chờ sẵn để mua cá.
Con tàu có công suất 1.025CV của ông Nam sau hơn 15 ngày đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa trở về đầy ắp cá, nhiều nhất là cá ngừ.
Tại bến cảng, hàng chục ngư dân và chị em phụ nữ làm công nhanh tay vận chuyển cá từ tàu lên xe tải cho thương lái.
Ông Nam cho biết, chuyến biển lần này tàu của ông đánh bắt được 30 tấn cá ngừ. Với giá bán là 20 nghìn đồng/kg, tàu cá thu về khoảng 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu và các “bạn” thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
“Nhờ trúng luồng cá ngừ lớn nên chỉ ra khơi hơn 10 ngày là tàu cá chúng tôi đã đầy ắp cá.
Trên tàu có 13 ngư dân, chuyến này mỗi “bạn” thu được hơn 15 triệu đồng” - ông Nam vui vẻ nói. Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tháng qua, tàu cá của ông Nam trúng đậm cá ngừ.
Ông Nam cho biết thêm, thông thường tầm từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm ngư dân dễ đánh bắt được cá ngừ số lượng lớn.
Bán cá ngừ cho thương lái.
Tại bến cá Duy Hải (Duy Xuyên), tàu cá cũng tấp nập cập bờ trong những ngày qua. Cảnh mua bán chộn rộn từ sáng sớm.
Bà Hoa, một tư thương cho biết: “Trong các loại hải sản thu mua thì vẫn ưa cá ngừ nhất. Cá càng to càng được giá vì dễ bảo quản. Hiện cá ngừ đã nhích giá lên nhiều so với trước đây, đạt mức 25 nghìn đồng/kg”.
Bà Hoa đã thu mua xong cá ngừ trên tàu cá của gia đình ông Trương Công Chinh (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình). Ông Chinh cho biết, chuyến biển này rất đạt, thu được tổng cộng 20 tấn cá ngừ sọc dưa.
“Với giá bán là 25 nghìn đồng/kg, chúng tôi thu được tổng cộng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được 150 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia 15 triệu đồng. Đây là chuyến biển đạt nhất của tàu cá chúng tôi từ đầu vụ sản xuất chính đến chừ” - ông Chinh hào hứng nói.
Theo ông Nguyễn Tin - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, thời gian này trên địa bàn xã hầu hết tàu cá và ngư dân đều ra khơi đánh bắt. Nhờ sản lượng đánh bắt cá trong 2 tháng gần đây đạt cao, đặc biệt là cá ngừ nên đã kéo sản lượng đánh bắt cả năm 2015 vượt kế hoạch, dù bây giờ chưa là cuối vụ.
“Năm 2015, nghị quyết của HĐND xã đặt ra là sản lượng đánh bắt hải sản phải đạt 17 nghìn tấn.
Vậy mà đến thời điểm này đã ước đạt khoảng 18 nghìn tấn. Cách đây 2 tháng, chúng tôi lo là sản lượng cá khó đạt vì sợ thời tiết bất thường nhưng nhờ trúng đậm cá ngừ nên sản lượng đã vượt kế hoạch” - ông Tin nói.
Theo Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 đạt 8.120 tấn.
Kết quả khả quan này có sự góp sức lớn nhất của nghề lưới vây. Tính chung trong 2 tháng gần đây, cá ngừ - sản phẩm đặc thù của nghề lưới vây đạt sản lượng vượt trội, gần 10 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng Quản lý nguồn lợi & khai thác thủy sản (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam) cho biết, theo thực tế diễn biến nguồn lợi trên các vùng biển trong thời gian qua sẽ cho thấy trong tháng 10, nhiều khả năng ngư dân sẽ tiếp tục bội thu cá ngừ.
Bởi, ngoài nghề lưới vây, ngư dân còn khai thác được cá ngừ ở các nghề lưới quét và lưới cản.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tai xanh, lở mồm long móng… đã làm ảnh hưởng phần nào đến phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè trên sông Tam Kỳ. Với kết quả khả quan ban đầu, mô hình này mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân.

Vừa dẫn tôi đi thăm cánh đồng nuôi cá mới thả, anh Thành quê ở Văn Lương vừa khoe với tôi: Em vừa buông xuống cánh đồng này trên ba vạn cá chép, trắm, trôi…

Hơn 10 năm nuôi lợn, ngoài nguồn thu mỗi năm trên 400 triệu đồng, tài sản lớn nhất mà anh Nguyễn Văn Quỳnh, thôn Đồng Xá, xã Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên tích lũy được đó là kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng tránh dịch bệnh cho lợn.

Tuy nghề nuôi ong mật ở Cây Thị, Đồng Hỷ mới phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu và góp phần đẩy lui cái đói, cái nghèo ở xã vùng sâu, vùng xa này.