Ngư Dân Ra Khơi Với Nhiều Nỗi Lo Ở Khánh Hòa

Sau Tết là thời điểm ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, tuy nhiên đến thời điểm trung tuần tháng 2/2014, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có rất ít tàu cá ra khơi.
Nguyên nhân là do hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu thuyền buộc phải nằm bờ để tránh việc thua lỗ. Các tàu cá ra khơi đánh bắt lại mang nhiều nỗi lo, dự báo cho một năm khó khăn cho ngành thủy sản của tỉnh Khánh Hòa.
Không khí tại cảng cá Hòn Rớ - Nha Trang thời điểm đầu vụ đánh bắt khá yên ắng. Hàng trăm tàu cá công suất lớn của tỉnh Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận vẫn nằm bờ. Chỉ có một vài tàu đang chuẩn bị nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để cho chuyến ra khơi dài ngày.
Sau hơn một tháng nằm bờ, ngày 16/2, chiếc tàu của gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Ngân ở Nha Trang mới quyết định xuất bến. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, gia đình phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng, và phải đi tìm khắp nơi mới có đủ lao động tham gia chuyến biển. Cùng kinh phí, nhân lực nỗi lo lớn nhất hiện nay của ngư dân là chuyện thu nhập khi tàu vào bờ.
Bà Nguyễn Thị Kiều Ngân chia sẻ: “Chuyến đi của tôi chi phí hết 150 triệu. Đi chuyến này có khi có khi được hoặc không, còn tùy thuộc vào yếu tố may mắn”.
Ra khơi với sự may rủi là điều có thật đối với mỗi ngư dân, bởi lẽ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân lâu nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sự thông báo cho nhau của bạn thuyền là chính, chưa áp dụng nhiều thiết bị hiện đại để phát hiện luồng cá. Do vậy, ngư dân phải tốn nhiều nhiên liệu, thời gian trên biển hơn để đánh bắt.
Trong khi đó, giá cá bán trong thời gian gần đây khá thấp, khiến thu nhập ngư dân giảm sút, phải bù lỗ nên bà con phải tính toán kỹ trước khi ra khơi. Một số tàu phải chuyển sang đánh bắt gần bờ để kiếm sống qua ngày.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phụ trách cảng cá Hòn Rớ - Nha Trang cho biết: “Đến giờ này, cảng đã đón tiếp khoảng 100 tàu vào lấy đá, nhu yếu phẩm, nhiên liệu đầu năm, so với cùng kỳ đến thời điểm này số tài thuyền ra vào cảng khá thấp. Giá cả hiện tại so với cung kỳ rất thấp so với trước, đó cũng là nguyên nhân khiến bà con gặp khó khăn khi ra khơi”.
Thông tin từ Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, cảng cá Vĩnh Lương lượng tàu ra khơi đánh bắt năm nay đã giảm khoảng 60% so với thời điểm này năm ngoái. Điều này xuất phát từ nguyên nhân đánh bắt khó khăn, thu nhập giảm sút nên nhiều lao động đã dần bỏ nghề đi làm ăn nơi khác.
Vì đặc thù của nghề biển là tiền công của lao động phụ thuộc vào từng chuyến biển, nếu chủ tàu không tạo sự ổn định trong thu nhập thì lao động chắc chắn sẽ bỏ tàu. Do vậy, đối với chủ tàu Đinh Văn Nam tìm được 8 lao động tham gia chuyến biển này đã là một thành công. Dù vậy, trong lòng ông vẫn đầy nỗi lo lắng.
Ông Đinh Văn Nam tâm sự: “Nguyên nhân dẫn đến việc nhân công nghỉ nhiều là do lượng dầu, chi phí cao quá, đi làm không có dư nhiều, nếu một tháng được 4-5 triệu thì người ta đi, không thì người ta tìm việc khác”.
Thu nhập giảm, giữa chủ thuyền và lao động không tạo được sự gắn kết, điều đó cho thấy hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản rất bấp bênh. Nhiều ngư dân đã bắt đầu san nhượng tàu thuyền để làm nghề khác. Để ngành khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, ngư dân rất mong muốn Nhà nước có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Có thể bạn quan tâm

Phú Yên là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đang khởi động các chương trình để thực hiện mô hình này thành công, nhất là đầu tư đồng bộ từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá…

Ông Huỳnh Thanh Hồng (ngụ xã Khánh An) có thửa đất rộng khoảng 5.000m2, phía trước trồng kiểng, phía sau đào ao nuôi cá, trong đó có hơn 100 con cá hô đất. Chỉ tay xuống ao đầy bông súng, anh Hồng cho biết, ban đầu chỉ thả vài ba con cá sặc, cá rô phi và cá chép.

Ông Hòa kể trước đây từng nhiều năm trồng mía nhưng chẳng khi nào thành công, có thời điểm ông vùi vào nợ nần do thua lỗ. Trong một lần tình cờ, ông Hòa bất ngờ khi biết giá của mỗi ký thịt ba ba cao gấp 5 lần so với thịt heo. Sau lần đó ông trằn trọc và quyết định thử nuôi ba ba thịt. Khi đó là năm 2000.

Vùng duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển thủy sản. Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ xác định vùng này sẽ trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với các ngư trường trọng điểm. Điều này đặt ra yêu cầu cần có những định hướng và giải pháp xúc tiến thu hút đầu tư đúng đắn để tận dụng các lợi thế vốn có của từng địa phương trên cơ sở cân bằng lợi ích tổng thể của vùng nhằm nâng cao giá trị ngành thủy sản.

Sau chuyến biển hơn 1 tháng 15 ngày, các thuyền đã kịp cập bờ, mang theo hàng trăm con cá ngừ đại dương, mỗi con có trọng lượng hơn nửa tạ để ăn Tết muộn. Cảng cá Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên)… ngư dân vui sướng khi hầu hết các thuyền được mùa, được giá. Hiện tại, cá ngừ được thu mua 130.000-145.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng tăng 15.000 đồng/kg.