Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư Dân Quảng Ngãi Trúng Đậm Mùa Mực Khơi

Ngư Dân Quảng Ngãi Trúng Đậm Mùa Mực Khơi
Ngày đăng: 09/09/2014

6 tháng đầu năm 2014, trong lúc nhiều loại hình đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi đang gặp khó khăn vì sản lượng đạt không cao, thì những người hành nghề câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa đã bội thu, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Trở về cửa biển Sa Cần trên con tàu đầy ắp mực khô sau hai tháng rưỡi đánh bắt trên ngư trường Trường Sa, ngư dân Bùi Thanh Nghĩa, Thuyền trưởng tàu cá QNg 95744 ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cùng 32 lao động đang tất bật "đàm phán" với thương lái về giá cả, để bán sản phẩm và chuẩn bị kinh phí mở chuyến biển khác. Niềm vui được mùa rạng ngời trên từng gương mặt đen sạm vì nắng gió Trường Sa.

Thuyền trưởng Nghĩa mở đầu câu chuyện bằng giọng đầy phấn khởi: "Việc làm ăn của ngư dân ngày càng khó. Ngày xưa, ngư trường Trường Sa rộng lớn, là vựa hải sản của ngư dân mình, nhưng bây giờ, nó trở nên chật hẹp, đi đâu cũng bị các lực lượng nước ngoài kiểm soát, ngăn cản.

Mặc dù vậy, anh em trên tàu vẫn kiên trì bám biển. Mấy tháng rồi, thời tiết thuận lợi nên việc làm ăn so với năm trước đạt hiệu quả cao hơn. Trong hai phiên đi biển vừa qua, tàu tôi câu được 57 tấn mực khô, giá mỗi tấn hiện nay là 86 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi khoảng 55 triệu đồng/tấn.

Từ năm 2013 đến nay, nhờ làm ăn có hiệu quả, thu nhập khá, tôi đã vay mượn thêm, đầu tư đóng tàu mới để vươn khơi bám biển".

Mặc dù nghề câu mực khơi mới chỉ ở thời điểm đầu vụ, nhưng ở xã Bình Chánh hôm nay, câu chuyện về những ngư dân trúng mực khơi râm ran khắp làng, khắp xã.

Cứ đà khai thác này, việc ngư dân thu tiền tỉ chỉ là vấn đề thời gian. Trong niềm vui được mùa, ngư dân Đào Vinh, thuyền viên tàu cá QNg 95744, ở xã Bình Chánh cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tôi đi được hai phiên biển, thời tiết ổn định, riêng tôi đi một chuyến cũng thu được một tấn mực, khoảng 50 - 70 triệu đồng.

Vì vậy, kinh tế gia đình được ổn định. Tuy nhiên, so với anh em trong đoàn, tôi cũng chỉ đứng trong tốp thứ 5, nhiều người thu nhập cao hơn".

Ông Nguyễn Thành Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh nói với chúng tôi: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình trên biển có những diễn biến không thuận lợi, nhưng ngư dân vẫn gắn bó với nghề. Sản lượng khai thác mực khơi của bà con tương đối khá.

Trong những phiên biển gần đây, tàu nào thấp thì thu 30 tấn mực khô, tàu khá hơn thì 40 tấn. Nhiều chủ tàu, thuyền viên làm ăn thu nhập cao, đời sống ngày càng được cải thiện. Hiện nay, trên địa bàn xã, bà con ngư dân đang thực hiện nhiều dự án đóng mới tàu thuyền để tham gia vào loại hình đánh bắt này.

Từ hiệu quả đánh bắt của nghề câu mực, đã góp phần tạo điều kiện cho các ngành nghề khác ở địa phương phát triển, giúp một số lao động nhàn rỗi có công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên.

"Khi nghề mực khơi của bà con được ổn định, kéo theo nhiều dịch vụ khác trên bờ như dịch vụ hậu cần phục vụ cho việc khai thác dài ngày trên biển từ 2 đến 3 tháng cũng có cơ hội phát triển. Những cơ sở sản xuất, sơ chế mực đã tạo cho một số lao động nữ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/tháng" - Ông Nguyễn Thành Tấn nói thêm.

Những nỗ lực vượt khó, cùng với sự "ưu đãi" của thiên nhiên trong khai thác hải sản, đã đưa sản lượng đánh bắt của loại hình câu mực khơi ở xã Bình Chánh vượt 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngư dân Bình Chánh đang chờ đón một mùa bội thu hải sản trong năm 2014.


Có thể bạn quan tâm

Heo Rừng- Thật Giả Lẫn Lộn Heo Rừng- Thật Giả Lẫn Lộn

Nghề nuôi heo rừng thương phẩm đang phát triển ở Đăk Lăk. Nhưng do hiểu biết của người tiêu dùng còn hạn chế, nên thịt heo rừng giả được bán nhiều, ngành chức năng khó kiểm soát.

22/02/2012
Mô Hình Câu Lạc Bộ Nuôi Tôm Cộng Đồng Mô Hình Câu Lạc Bộ Nuôi Tôm Cộng Đồng

Trong khi các hộ nuôi tôm sú ở vùng ngập mặn, ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành (Trà Vinh) phải đối mặt với tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết trên diện rộng, thì tôm của Câu lạc bộ nuôi tôm cộng đồng tại xã Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang) vẫn phát triển tốt.

11/08/2011
Nông Nghiệp Tây Ninh 5 Năm Tới Nông Nghiệp Tây Ninh 5 Năm Tới

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2011-2015 của UBND tỉnh Tây Ninh trình kỳ họp thứ hai -HĐND tỉnh khoá VIII cho biết, 5 năm qua (2006-2010), sản xuất nông - lâm - thuỷ sản của tỉnh tiếp tục duy trì được tăng trưởng cao trong điều kiện khó khăn và thách thức do dịch bệnh và thời tiết

01/08/2011
Người Luyện…tiên Đan Cho Lợn Người Luyện…tiên Đan Cho Lợn

Một loại thức ăn chăn nuôi chứa thảo dược giá rẻ, tốc độ lớn chẳng kém lợn ăn cám công nghiệp, thịt sạch, thơm ngon, giảm ô nhiễm môi trường, giật bằng độc quyền giải pháp hữu ích…

23/02/2012
Bùng Phát Dịch Cúm Gia Cầm: Nguyên Nhân Từ Nhiều Phía Bùng Phát Dịch Cúm Gia Cầm: Nguyên Nhân Từ Nhiều Phía

Tính đến nay, cả nước đã có 11 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm. Những ngày qua, các cơ quan chức năng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp để bàn biện pháp ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm “đến hẹn lại lên” không chỉ xuất phát từ phía người chăn nuôi, mà còn có nguyên nhân từ ý thức của người tiêu dùng, năng lực phòng chống dịch của các cơ quan chức năng.

22/02/2012