Ngư Dân Miền Trung Tranh Thủ Ra Khơi Đảm Bảo Nguồn Cung Tết

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, hàng ngàn tàu cá của ngư dân miền Trung hối hả ra khơi đánh bắt để có nguồn hàng dồi dào cung cấp cho thị trường dịp Tết cổ truyền.
Sáng sớm những ngày cận Tết, tại cảng cá Thọ Quang, TP. Đà Nẵng, hàng trăm phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung vừa trở về.
Giao hết số hải sản vừa đánh bắt được cho chủ hàng, các ngư dân lại hối hả nhận nhiên liệu, thực phẩm, kiểm tra ngư cụ chuẩn bị tiếp tục ra khơi. Trên khuôn mặt của cả người bán lẫn người mua đều hồ hởi, bởi giá hải sản trong dịp cận Tết cao hơn ngày thường từ 20 - 30%.
Thuyền trưởng tàu BĐ 96950TS Huỳnh Thế Bảo (trú tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) hồ hởi: Sau 10 tuần đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, tàu của anh đánh bắt được 4 tấn cá. Tàu của anh sẽ tiếp chuyến đi biển cuối năm và cập bến vài ngày trước Tết.
Phấn khởi và hy vọng bội thu cho chuyến đi biển cuối năm, anh Nguyễn Tấn Đạt, chủ tàu cá QNg 981125 TS (trú tại Quảng Ngãi) chia sẻ: Trên tàu có 10 lao động đều là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, biển lặng chúng tôi quyết định vươn khơi tìm luồng cá đánh bắt với hy vọng bội thu để mang lộc biển về ăn Tết.
Năm 2013, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi làm ăn mang lại hiệu quả. Điển hình như đội tàu cá của ngư dân Nguyễn Gia Viên (Lý Sơn) khai thác đạt gần 500 tấn hải sản các loại, thu nhập gần 11 tỷ đồng, trung bình mỗi lao động có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Cát, Phó Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, TP. Đà Nẵng cho biết: Phiên biển cuối năm, hằng ngày có hàng trăm tàu cá của ngư dân miền Trung vươn khơi đến các ngư trường trọng điểm để đánh bắt hải sản. Sau quãng thời gian thời tiết diễn biến thất thường và biển động mạnh, tàu phải nằm bờ, hiện nay thời tiết nắng ấm, bà con đã ra khơi trở lại, phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán.
Nhu cầu thị trường hải sản trong dịp tết tăng cao, do đó, giá cả dự đoán ngày cận Tết sẽ tăng khoảng 30%. Đó là động lực lớn để ngư dân vươn khơi, mang nguồn hàng hải sản về nhiều sẽ góp phần ổn định thị trường và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm năm 2010 và 2011, khi dịch bệnh “tai xanh” hoành hành trên đàn heo, anh Trần Đình Hiển (ấp 9, xã An Linh, Phú Giáo, Bình Dương) lại thắng lớn với lợi nhuận gần 1 tỷ đồng từ trại heo của mình nhờ đàn heo không dính dịch bệnh “tai xanh”. Để có được kết quả này, anh Hiển đã áp dụng mô hình nuôi heo trại lạnh. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và là hướng đi bền vững cho người chăn nuôi heo trong bối cảnh dịch bệnh thường xuyên hoành hành như hiện nay.

Thời gian qua, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng có sương mù, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng trên cây cao su phát triển.

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.