Ngư Dân Mang Lộc Biển Về Đất Liền

Sau gần một tháng trời lênh đênh, đón giao thừa trên biển, hàng chục tàu cá của ngư dân Phú Yên đã tấp nập về bến ngày 24-1 (mùng 2 tết, mang theo “lộc biển” đầu năm: hàng trăm tấn cá ngừ đại dương.
Trong hai ngày đầu năm mới, tại cảng cá phường 6 và Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên) hàng trăm tàu câu cá ngừ đại dương lần lượt vào bến, mang theo gần 100 tấn cá ngừ đại dương. Bình quân mỗi tàu đánh bắt được 20-30 con, tương đương 1-1,5 tấn/tàu.
Ngư dân Trần Văn Xếp (phường 6, TP Tuy Hòa) phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có hai tàu, hiện đã có một tàu vào bến. Với hơn 1,5 tấn cá đánh bắt được trong chuyến đầu tiên trong năm, tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Đây là số tiền rất có ý nghĩa trong ngày đầu năm. Chiếc thứ hai đang trên đường về còn “thắng” hơn chiếc này".
Cùng chung niềm vui với ông Xếp, ông Mai Thanh Minh chủ tàu PY-92628 TS cho hay: “Tàu tôi đi chuyến này mất gần một tháng và câu được hơn 1,5 tấn cá ngừ đại dương. Hiện cá ngừ xuất hiện nhiều, tôi dự tính cho anh em nghỉ ngơi, chơi tết vài ngày và chuẩn bị vật tư, lương thực thực phẩm cho một chuyến sắp tới, không bỏ lỡ cơ hội”.
Theo bà Nguyễn Thị Xinh, chủ doanh nghiệp tư nhân thu mua cá ngừ Khải Vỹ, chỉ riêng ngày mồng 2 tết, đã mua được gần 10 tấn cá loại một, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và khoảng 10 tấn loại hai cung cấp các doanh nghiệp chế biến trong nước.
Để giải phóng nhanh tàu cho ngư dân, doanh nghiệp đã huy động tối đa nhân công và bốn xe đông lạnh, cấp tốc cân, vận chuyển cá để bà con tranh thủ thời gian ăn tết, sớm quay lại biển.
“Trong hai ngày đầu năm, doanh nghiệp của tôi đã nhập gần 20 tấn cá ngừ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Số cá trên đã được chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong nước”, ông Lê Văn Lợi, chủ doanh nghiệp thu mua cá ngừ Lợi Anh cũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Tam Dương là một trong 3 huyện của tỉnh Vĩnh Phúc được chọn tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trên đàn gia súc, gia cầm giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định 315/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm triển khai, BHNN đã giúp nông dân trong huyện yên tâm đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Nghề khai thác rong mơ đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đông, xã Ninh Vân) có thu nhập khá cao trong suốt thời gian dài. “Những năm trước, khai thác rong mơ là nghề hái ra tiền ở xã Ninh Vân, vì vậy cứ tới mùa rong mơ (khoảng đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm) là cả làng đi biển, lặn rong.

Hiện nay, cá tai tượng là một trong những loài thủy sản mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, người nuôi cá tai tượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng sản phẩm và môi trường nuôi, nên sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Đồng Nai hiện có hàng chục trang trại và hộ nông dân đã ứng dụng thành công chăn nuôi bằng đệm lót sinh học. Đây là cách chăn nuôi tiên tiến mà đề án phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2012-2015 khuyến khích nhân rộng.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng OTC trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu.