Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngư Dân Khóc Cùng Cá Mú

Ngư Dân Khóc Cùng Cá Mú
Ngày đăng: 13/10/2011

Hơn 10 năm triển khai mô hình nuôi cá mú tại khu vực đầm Lập An, nhiều ngư dân bên vịnh Lăng Cô đang trở nên trắng tay, điêu đứng vì cá chết hàng loạt.

Sau cơn bão số 4, gần một trăm ngư dân ở thôn An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế “dở khóc dở cười” khi nhìn thấy hàng vạn con cá mú sắp đến ngày thu hoạch đột nhiên đổ bệnh chết.

Nỗi lo cá chết

Chúng tôi có mặt tại thị trấn Lăng Cô giữa lúc bà con đang tiến hành kéo những lồng cá mú bị nhiễm bệnh lên khỏi mặt nước. Đang loay hoay lựa ra những con cá còn có thể ăn được, bà Nguyễn Thị Cúc vừa khóc vừa kể lại quá trình nuôi cá mú của gia đình: “Gia đình tôi là những người nuôi cá mú lâu nhất. Chưa có năm nào như vậy cả, 20 lồng cá mú mỗi lồng có từ 300 - 500 con, sắp đến ngày thu hoạch đã bị chết sạch. Thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Nếu cá tiếp tục chết nữa, chắc chúng tôi phải bán nhà để trả lãi ngân hàng”.

Tương tự với gia đình bà Cúc, nhiều bà con ngư dân ở thôn An Cư Đông I và II đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nuôi cá như ông Mai Thúc Lam, Trần Đình Kế, Trần Văn Minh đến thời điểm này đành bất lực nhìn cá chết. Anh Trần Văn Minh một ngư dân nuôi cá mú ở đầm Lập An buồn bã kể: “Vợ chồng chúng tôi suốt ngày bám biển để mưu sinh. Vừa rồi hai nhà nội, ngoại mới cho mượn 100 triệu đồng để nuôi cá giờ thì mất trắng”.

Qua thực tế tại thôn An Cư Đông II, chúng tôi nhận thấy điểm giống nhau giữa 3 loại cá mú màu đỏ, đen và hồng nhiễm bệnh đều có rất nhiều vảy nến màu đỏ, toàn thân lở loét, phần mắt của cá màu trắng đục. Theo kinh nghiệm của một số bà con nuôi cá mú lâu năm, vào mùa mưa bão, lúc triều cường lên nhanh kết hợp với lượng nước lợ có sẵn trong đầm Lập An sẽ tạo ra môi trường hết sức thuận lợi cho cá mú phát triển, đặc biệt là cá mú giống. Vì vậy khả năng cá mú chết do nước trong đầm bị ngọt hóa là điều khó có thể xảy ra.

Một số chủ lồng nuôi khẳng định, cá chết một phần do nguồn nước thải chưa qua xử lý tại khu vực chợ, khu dân cư chạy theo hệ thống cống rãnh đổ xuống khu vực chân cầu Lăng Cô. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở thôn Hói Mít, Hói Dừa sau khi lén lút thu hoạch tôm chân trắng đã xả nước thải xuống đầm Lập An, ảnh hưởng đến nguồn nước vùng nuôi cá mú, tôm hùm ở thôn An Cư Đông II. Trong khi đó, ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Phú Lộc cho rằng, nguyên nhân cá chết có thể là do sốc vì chênh lệnh độ mặn - ngọt của nguồn nước đầm Lập An.

Bất lực với dịch bệnh

Theo thống kê của thị trấn Lăng Cô, tính đến ngày 6/10 đã có 469 lồng (trung bình mỗi lồng nuôi từ 300 - 500 con) của 93 hộ nuôi cá bị nhiễm bệnh chết, trong đó loại cá mú cân nặng từ 0,6 - 1 kg chiếm số lượng nhiều nhất. Với giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 330.000 đồng/kg. Số tiền thiệt hại do đợt cá chết hàng loạt ước tính trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một lồng ốc hương trọng lượng 250 kg và 400 kg ghẹ nuôi trên đầm đều bị chết sạch.

Để cứu vãn số tiền đầu tư nuôi quá lớn, bà con tìm cách liên hệ với tư thương để bán. Một số khác đem cá mú chết ướp muối để làm nước mắm. Ông Mai Thúc Lâm bức xúc nói: “Cả thôn theo chủ trương chung của thị trấn, hầu như nhà nào cũng vay ngân hàng vài chục triệu nuôi cá mú để thoát nghèo. Đến khi dịch bệnh xảy ra, không biết bám vào ai để kêu. Nguyện vọng bà con bây giờ là sớm tìm ra thuốc chống dịch để cứu dân”.

Sau khi người dân ở 2 thôn An Cư Đông phản ánh tình trạng hàng trăm lồng cá bị chết tại thị trấn Lăng Cô. Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra khu vực nuôi. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến cá mú chết.

Tại khu vực nuôi, cơ quan chức năng đã tiến hành quan trắc ở chân cầu Lăng Cô cũ và khu vực có ống xả của các ao nuôi tôm tại Hói Mít để xác định độ mặn, dung lượng kiềm. Ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục thống kê số lồng cá mú bị chết. Tiến hành di chuyển nhanh đàn cá nuôi ra khỏi vùng bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cá”.

Trong lúc chính quyền địa phương và các cơ quan có chức năng đang “loay hoay” tìm nguyên nhân dịch bệnh, thì số phận của những lồng cá được bà con ngư dân đầu tư hàng chục tỷ đồng đành phải phó thác cho trời


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Tra Quay Đầu Tăng 1.000 Đồng/kg Giá Cá Tra Quay Đầu Tăng 1.000 Đồng/kg

Tuần qua, bất ngờ giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu tăng trở lại với mức cao nhất đạt 1.000 đồng/kg, theo Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang.

22/07/2012
Bệnh Chổi Rồng Càng Quét Thủ Phủ Nhãn Bệnh Chổi Rồng Càng Quét Thủ Phủ Nhãn

Hàng nghìn hộ nông dân trồng nhãn ở khu vực ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… đang điêu đứng vì bệnh chổi rồng liên tục tấn công vườn nhãn ngay ở giai đoạn ra hoa, đậu trái. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ cây nhãn nhiễm bệnh chổi rồng lên đến 80,90% báo hiệu một mùa vụ thất thu nghiêm trọng

20/08/2011
Bi Kịch IR50404 Bi Kịch IR50404

Lúa ĐX ở ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch. Dù trên nhiều cánh đồng lớn chưa gặt rộ, mới vào khúc dạo đầu nhưng ẩn số lúa IR50404 đã dần lộ diện. Có nơi gần cả huyện trồng độc nhất giống lúa này, nay bán ra gặp lúc lúa rớt giá than vãn hết lời.

22/02/2012
Nuôi Kỳ Đà Cơ Hội Làm Giàu Nuôi Kỳ Đà Cơ Hội Làm Giàu

Kỳ đà là loài bò sát dễ nuôi, không tốn nhiều chi phí, đồng thời mang lại hai lợi ích to lớn, đó là: phát triển kinh tế gia đình và bảo tồn được loài động vật hoang dã

23/08/2011
Hiệu Quả Từ Chuyển Đổi Lúa Nương Sang Ngô Đồi Ở Yên Bái Hiệu Quả Từ Chuyển Đổi Lúa Nương Sang Ngô Đồi Ở Yên Bái

Khác với đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Cao Bằng, cây ngô là nguồn lương thực chính đã gắn bó từ ngàn đời nay với người dân; ở tỉnh Yên Bái, nguồn lương thực chính là lúa gạo, nên việc trồng ngô không được chú trọng. Do vậy việc chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa nương sang trồng ngô là việc không dễ dàng.

29/07/2012