Ngư Dân Cảnh Dương Trúng Đậm Cá Khoai

Đầu năm mới 2014, ngư dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã trúng mùa cá khoai. Đặc biệt, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt. Tại các bến cá của xã Cảnh Dương, thuyền đánh cá của ngư dân liên tục cập bến và mỗi ngày sản lượng cá khoai đánh bắt ước tính từ 10 đến 15 tấn. Đối với ngư dân trong xã thì đây được coi là vụ mùa “bội thu” cá khoai...
Trong khoảng gần một tuần qua, ngư dân hành nghề lưới gần bờ ở xã Cảnh Dương đã trúng đậm cá khoai nên ai cũng phấn khởi sau những chuyến biển. Theo anh Đồng Hùng Cường, Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương, toàn xã có trên dưới 100 phương tiện có công suất dưới 90CV, chủ yếu là thuyền lưới mành tham gia đánh bắt cá khoai và hầu hết ai cũng trúng đậm cá khoai.
Trung bình, mỗi chiếc có từ 4 đến 5 lao động, ra khơi vào khoảng 5h chiều hôm trước và cập bến vào 4 - 5 giờ sáng hôm sau và các thuyền đều đầy ắp cá khoai. Trung bình mỗi thuyền đánh bắt được 3-4 tạ cá/đêm, cá biệt có thuyền thu được 6 - 7 tạ cá/đêm.
Anh Cường cho biết thêm, đây là loại cá mà bà con ngư dân vùng biển này hay trúng vào dịp trước Tết Nguyên đán (khoảng tháng 12 âm lịch), tuy nhiên mọi năm sản lượng đánh bắt ít, riêng năm nay thì ngư dân trúng đậm. Điều đáng chú ý là thông thường, ngư cụ đánh bắt cá khoai là lưới mành, tuy nhiên do thời tiết và hướng gió mà năm nay cá khoai nổi lên mặt nước, bởi vậy ngư cụ bằng lưới hầu như không có tác dụng, trong khi đó dụng cụ vợt khá thô sơ lại phát huy được hiệu quả và mang lại thu nhập cao cho ngư dân.
Đặc biệt, vào các đêm 5 và 6-1-2014, cá khoai dạt vào bờ rất nhiều và nổi trắng trên mặt nước nên nhiều người dân trong xã đã ra tham gia vớt và xúc cá khoai bằng vợt lưới. Sau một đêm tích cực, trung bình mỗi người cũng thu hoạch được 10 kg đến 20kg. Anh Lê Vũ Phương, ở thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương hồ hởi “Cá nhiều lắm, buông vợt một chặp là kéo lên được vài kilôgam cá khoai, biển đang đẹp phải tranh thủ từng giờ”.
Như vậy, chỉ hơn 5-6 ngày bám biển khai thác thủy sản, hàng trăm chuyến tàu cập bến đều đầy ắp cá khoai, sản lượng cá khoai toàn xã Cảnh Dương đạt khoảng 12 - 15 tấn/ngày.
Hiện nay, giá bán giao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg cá tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ, vì vậy mỗi thuyền đánh bắt thu từ 15 - 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động tại địa phương đã kiếm được từ 1 - 1,5 triệu đồng/đêm. Do sản lượng cá khoai khai thác tăng nhiều nên ngư dân Cảnh Dương bán cá tươi cho các thương lái tại bến thuyền để vận chuyển đi tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía Bắc như: Thanh Hóa, Nghệ An... Như vậy, dù sản lượng đánh bắt cá khoai tăng đột biến nhưng giá cá trên thị trường vẫn đang ổn định nên đời sống của ngư dân được cải thiện đáng kể.
Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân đi biển lâu năm ở Cảnh Dương, đây là thời điểm cá di chuyển nên ngư dân đánh bắt được rất nhiều cá khoai. Năm nay, cao điểm mùa khai thác cá khoai bắt đầu từ tháng một (dương lịch) và sẽ kéo dài đến tháng ba. Trong những ngày biển yên, sóng lặng này, ngư dân Cảnh Dương đang phấn khởi và cho tàu tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy sản, nhất là cá khoai.
Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) vắc xin dịch tả lợn; hóa chất sát trùng Benkocid; hóa chất Chlorine 65% min; hóa chất sát trùng Han-Iodine thuộc hàng dự trữ quốc gia cho 5 địa phương để phòng chống dịch bệnh.

Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vài năm trở lại đây nhân dân đã tập trung phát triển đàn dê núi rất hiệu quả. Nghề nuôi dê ở Vũ Muộn đã và đang trở thành mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nông dân…
Từ xuất phát điểm là một hộ gia đình khó khăn, sau hơn 10 năm phát triển mô hình kinh tế vườn ao chuồng, gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1972, ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) đã sở hữu 30 cây nhãn giống mới, gần 1 mẫu ao, 150 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt được nuôi trong hệ thống “chuồng lạnh” khép kín, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nuôi bò và dê ngày càng phát triển rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước do mang lại hiệu quả kinh tế và được thị trường tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, vùng đồng bào Xêtiêng ở khu phố Đông Phất, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long, nuôi trâu lại là thói quen nhiều đời và góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống của họ.

Từng là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại thủ đô, rồi là nhân viên của Tập đoàn Mobifone, nhưng trong tâm khảm của anh Phạm Văn Nhật (xóm 4, xã Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình) vẫn canh cánh mong ước làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Rời xa chốn phồn hoa đô hội, anh Phạm Văn Nhật đã trở về mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi chí làm giàu.