Ngon Ăn Như Bưởi Da Xanh

Với giá bán hiện tại trên 30.000 đồng/kg bưởi da xanh, nhiều hộ nông dân tại huyện Châu Thành (Bến Tre) đã có thu nhập rất cao từ vườn bưởi cho năng suất trên 20 tấn/ha…
Chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của nông dân Đào Văn Minh (ngụ ấp Quới Thạnh Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành), người đã trồng hơn 8.000 m2 bưởi da xanh từ năm 2.000 đến nay.
Dẫn khách ra vườn bưởi tán xoè rộng, lá xanh mướt, quả to, quả nhỏ trĩu cành, anh Minh cho biết, cũng như nhiều hộ làm vườn khác ở xã, trước đây 8.000 m2 đất của anh đều trồng nhãn, trước là nhãn lồng, kế đó là nhãn xuồng cơm vàng. Trồng theo phong trào nên điệp khúc được mùa rớt giá cứ đeo bám riết, đành phải chặt bỏ nhãn trồng bưởi da xanh vì lúc đó bưởi được giá.
Thời điểm này trong xã đã có hàng chục hộ trồng bưởi da xanh, vì thế bên Trung tâm Khuyến nông tỉnh gợi ý nên thành lập tổ liên kết trồng bưởi để vừa có tư cách pháp nhân khi nhận chuyển giao tiến bộ khoa học, vừa bảo vệ được quyền lợi về giá bán khi thu hoạch.
Vậy là tổ liên kết trồng bưởi da xanh Phú Hoà đầu tiên của xã Quới Sơn được thành lập với 34 hộ và nay đã lên đến 85 hộ với diện tích 47,6 ha.
Bưởi do cơ sở Hương Miền Tây thu mua đã XK đến nhiều nước như Đức, Canada, Hà Lan, Ukraina, đồng thời tiềm năng XK đến các khách hàng mới như Nga, Pháp, Trung Đông là rất lớn. Tuy nhiên, lượng bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGap chưa nhiều, sản lượng bưởi cung cấp mới chỉ đáp ứng được 1/10 năng lực kho lạnh của cơ sở này, vì thế tiềm năng phát triển còn rất lớn.
Anh Hai So ở ấp Quới Hoà Tây trồng gần 1 ha bưởi da xanh cho biết, trước đây anh cũng đã từng trồng nhãn. Nếu so với nhãn thì bưởi da xanh ưu thế vượt trội hơn nhiều, 1 ha nhãn nếu được mùa được giá thu về chỉ khoảng 100 triệu đồng, trong lúc 1 ha bưởi thu cao gấp 5 – 6 lần.
Đã vậy bưởi lại cho thu hoạch quanh năm, thu hái đến đâu cơ sở Hương Miền Tây mua hết đến đó, không còn lo tư thương chèn ép giá. Anh Hai So là một trong 3 nông dân của xã Quới Sơn được đề nghị là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương vì đã mấy năm liền anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Năm 2010 các tổ viên của tổ liên kết được tập huấn về tiêu chuẩn VietGAP từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Đó cũng là lúc cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây được nhận tiêu chuẩn VietGAP và tổ chức kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường với tổ liên kết Phú Hoà.
Từ đó đến nay việc kí kết này vẫn được duy trì phát triển. Năm 2013, cơ sở Hương Miền Tây hợp đồng tiêu thụ cho tổ liên kết Phú Hoà được 350 tấn bưởi các loại và năm 2014 đã kí tiêu thụ được 400 tấn.
Hiện giá bưởi được cơ sở Hương Miền Tây bao tiêu 32.000 đồng/kg, với năng suất trung bình 20 tấn/ha, nông dân trồng bưởi da xanh thu về tới 640 triệu đồng mỗi ha, trừ chi phí đầu tư người trồng có lãi “khủng” từ 400 - 500 triệu đồng/ha.
Tính đến nay, cơ sở Hương Miền Tây đã kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên nguyên tắc với 27 tổ liên kết trồng bưởi da xanh của 9 xã trong tỉnh Bến Tre.
Có thể bạn quan tâm

Trong thời điểm hiện nay, giá lợn hơi xuống thấp có nhiều trang trại, hộ nuôi lợn phải “treo chuồng”. Tuy nhiên, còn có một số trang trại, hộ dân ở xã Phúc Ninh (Yên Sơn) vẫn đang duy trì, hoặc ít nhất là chưa bị thua lỗ do có “cách nuôi lợn thời giá thấp”. Gia đình chị Đỗ Thị Tươi, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh là một điển hình.

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước như là một hướng đi bền vững nhất trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, giữa việc nơi nơi đua nhau triển khai, nhân rộng, công ty nối tiếp công ty đẩy mạnh đầu tư và hàng trăm ngàn nông dân phấn khởi hưởng ứng thì nên chăng có sự nhìn nhận lại một cách tổng quan nhất về toàn bộ mô hình và sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển, nhân rộng theo đúng định hướng. Đây cũng là việc cần làm nhằm tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu và mô hình dần đi vào quy luật… thoái trào.

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.

Trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ cung cấp miễn phí gần 300.000 cây cà phê giống cho những hộ dân muốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Số cây này đủ tái canh cho khoảng 270 héc ta.