Ngọc Lương (Hòa Bình) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Bưởi Diễn

Cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Do đó, từ những hộ dân trồng manh mún ban đầu, đến nay, xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã có khoảng 60 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30 ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương phấn khởi cho biết: Bên cạnh duy trì những cây trồng truyền thống như 712 ha lạc, 98 ha mía, 102 ha sắn... xã Ngọc Lương đang tập trung phát triển một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như cây bưởi Diễn. Sau một thời gian trồng thí điểm thành công, hiện nay, cây bưởi Diễn đang được nhân rộng ra toàn bộ xóm Đại Đồng, trong thời gian tới tiếp tục mở rộng ở những xóm lân cận có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây bưởi Diễn bắt đầu được trồng tại xóm Đại Đồng từ năm 1998 và chỉ thực sự mở rộng vào năm 2012 với tổng diện tích hơn 30 ha. Trước sự phát triển nhanh chóng của cây bưởi Diễn tại Đại Đồng, xã Ngọc Lương đã phối hợp với Phòng NN &PTNT, Hội Nông dân huyện hướng dẫn thành lập tổ hợp tác trồng bưởi xóm Đại Đồng vào tháng 7/2014.
Anh Vũ Xuân Oanh, chủ nhiệm tổ hợp tác cho biết: Việc thành lập tổ hợp tác đã giúp cho các hộ dân hỗ trợ được nhau về cây giống. Cụ thể như trước đây, chúng tôi phải mua cây giống từ huyện Tân Lạc với giá khoảng 50.000 đồng/cây nhưng hiện nay, hội viên trong tổ đã sản xuất được cây giống tại chỗ với giá 20.000 đồng/cây.
Ngoài ra, hội viên còn trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau nhiều về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi sao cho đảm bảo cả năng suất và chất lượng. Hiện nay, tổ hợp tác đang được quỹ hỗ trợ nông dân của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho vay 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Các hội viên trong tổ được cho vay theo diện tích trồng.
Với mục tiêu mở rộng diện tích cây bưởi Diễn tại xã Ngọc Lương, UBND huyện đã hỗ trợ hệ thống nước tưới, đảm bảo đủ cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích bưởi đã trồng.
Song song với việc mở rộng diện tích, mục tiêu tiếp theo đang được UBND xã Ngọc Lương và tổ hợp tác trồng bưởi Đại Đồng xúc tiến đó là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi Diễn Đại Đồng ra thị trường.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vực bưởi mới trồng, đồng chí Chủ tịch UBND xã Ngọc Lương trao đổi: Chính quyền khuyến khích, động viên bà con tích cực cải tạo vườn, đồi tạp trồng bưởi Diễn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý người dân phải luôn thực hiện nghiêm túc quy trình sử dụng thuốc BVTV cũng như khuyến khích bà con chủ động tìm tòi, nghiên cứu lai ghép những giống bưởi mới có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Trước đây, đời sống của bà con xóm Đại Đồng chủ yếu là trồng sắn, lạc, thường xuyên rơi vào tình trạng mất mùa hoặc được mùa mất giá, đời sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ cây bưởi Diễn, hiện toàn xóm chỉ còn 6% số hộ thuộc diện hộ nghèo, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.