Ngô lai LVN61 trên đỉnh Cò Nòi

Ở đây đang có hàng trăm đầu mối bao tiêu, thu mua ngô trực tiếp hoặc bỏ tiền cho dân vay trả chậm bằng phân bón, giống ngô rồi đến vụ thu mua ngô, tính công nợ.
Ở đây cũng là nơi trồng hàng ngàn ha ngô mỗi vụ, với nhiều triệu phú, thậm chí tỷ phú nông dân người dân tộc hay người Kinh.
Đi khắp vùng đất bao la trên là trời dưới là ngô, vụ này hỏi từ đại lý giống đến nông dân loại ngô gì tốt, câu trả lời là nhiều trong đó không thể thiếu được cái tên LVN61 - niềm tự hào ngô nội.
LVN61 thực ra không phải là một giống ngô mới đối với một số vùng miền.
Không chỉ khá phổ biến ở trong nước, LVN 61 còn là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của ngô Việt sang các thị trường khu vực như Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Trên nhiều vùng đất, với nhiều thói quen canh tác khác nhau nhưng giống đều cho năng suất trung bình từ 70 - 95 tạ/ha.
Thế nhưng mới chỉ vụ trước thôi, nhiều bà con ở Cò Nòi còn chưa được biết đến LVN61.
Bởi thế vụ xuân hè năm 2015, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Cty CP Đầu tư & phát triển ngô Việt Nam thực hiện mô hình trình diễn LVN61 tại tiểu khu 32.
Mục đích của mô hình là đưa các giống ngô có tiềm năng, năng suất cao, khả năng chống chịu điều kiện bất thuận và sâu bệnh tốt vào SX giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.
Nông dân tham gia mô hình hồi hộp một (bởi đã được đảm bảo năng suất) nhưng nông dân bên ngoài hồi hộp mười.
“Còn phải xem cái giống ngô này có thích hợp với đất Cò Nòi không thì vụ sau mới rủ nhau trồng được chứ!”.
Bà con bảo nhau thế.
Bởi thế họ quan tâm đến từng giai đoạn phát triển của cây từ nẩy mầm, cây con đến phun râu, đóng bắp.
Quy mô triển khai của mô hình chỉ khiêm tốn 0,5 ha nhưng sử dụng ngay đối chứng là một giống ngô ngoại đang rất phổ biến trên địa bàn lại càng làm cho bà con thêm tò mò.
Mật độ cây theo đúng khuyến cáo phải 6,1 vạn/ha với chế độ phân bón cho 1 ha: 400 kg ure; 500 kg lân, 160 kg kali…Nhưng thực tế có đôi chỗ chưa thực sự đảm bảo.
Theo đại diện của Hội Nông dân xã Cò Nòi thì giống LVN61 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn với giống đối chứng tới 5 ngày.
Cây sinh trưởng phát triển khỏe, cao to, bộ lá xanh đậm, bản lá rộng, trỗ cờ, phun râu tập trung, độ đồng đều cao.
Một điều hoàn toàn thuận lợi là trong thời gian ngô trỗ cờ gặp điều kiện thời tiết rất thuận lợi kết hợp phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật nên bắp thu được vừa to vừa dài, lõi rất nhỏ, màu sắc hạt đẹp, múp bắp hơn hẳn giống đối chứng.
Về khả năng chống chịu sâu bệnh hại thì LVN61 thích ứng tốt với điều kiện ngoại cảnh, chống đổ, chống hạn tốt.
Ít nhiễm sâu bệnh hại.
Xét các yếu tố cấu thành năng suất như số bắp/cây, số hàng/cây, số hạt/hàng, trọng lượng ngàn hạt cho thấy giống ngô LVN61 đã “đánh gục” giống đối chứng với năng suất thực tế cao hơn tới 9 tạ/ha.
Đã năng suất cao lại giá giống rẻ chỉ bằng 2/3 ngô ngoại nên bà con bảo với nhau rằng vụ sau sẽ chuyển về dùng hàng nội mà thôi.
LVN61 có hời gian sinh trưởng vụ xuân 110-115 ngày; vụ xuân hè 100 - 105 ngày; vụ hè thu 90 - 95 ngày; vụ thu đông 100 - 105 ngày.
Năng suất thường đạt 8 - 9 tấn/ha trong điều kiện thâm canh năng suất đạt tới 10 - 12 tấn/ha; ổn định ở tất cả các mùa vụ và các vùng miền sinh thái.
Chiều cao cây 180 - 190 cm ± 5 cm; chiều cao đóng bắp 90 - 95 cm ± 5 cm; chiều dài bắp 20 - 22 cm; đường kính bắp 4,8 - 5,5 cm; hạt màu vàng cam, dạng răng ngựa, số hàng hạt 16 - 18 hàng; số hạt/hàng 40 - 42 hạt; trọng lượng 1.000 hạt 300 - 320 gram.
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi đến 3 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại phường 3, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) hỏi mua thuốc ngâm cho trái cây mau chín thì có 2 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và quả quyết trái sống, non cỡ nào mang đi ngâm thuốc thì 1 - 2 ngày sau trái cũng sẽ chín.

Cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Do đó, từ những hộ dân trồng manh mún ban đầu, đến nay, xóm Đại Đồng (xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã có khoảng 60 hộ trồng bưởi Diễn với tổng diện tích trên 30 ha.

Thăm vườn đu đủ Long An ruột vàng của gia đình nông dân Dương Trường Sơn (39 tuổi), ở thôn 4, xã Tân Phúc (Hàm Tân - Bình Thuận), chúng tôi ghi nhận cách làm mới anh đang áp dụng trên vùng đất còn nhiều khó khăn. Để có vườn đu đủ xanh tốt, cho trái nhiều như hiện nay, anh Sơn trải qua bao vất vả khổ cực.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như sở thích của khách hàng, nên từ sản xuất mai vàng, cơ sở của anh Hồ Thanh Tòng ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) chuyển sang trồng các loại kiểng trái.

Ngày 30/12, UBND tỉnh Quảng Nam thông qua quyết định cấp bổ sung hơn 300 triệu đồng cho huyện Duy Xuyên, từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2014, để thực hiện chi hỗ trợ cho các chủ vật nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh. Trong năm qua, huyện Duy Xuyên tiêu hủy hơn 14.000 con vịt bị nhiễm cúm gia cầm.