Ngô biến đổi gen Dekalb Áo giáp cho nhà nông

Công ty Dekalb thuộc Tập đoàn Mosanto (Mỹ) đã đưa các giông ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate vào trồng khảo nghiệm tại tỉnh Sơn La, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí công lao động rõ rệt cho người nông dân.
Đại diện Công ty Dekalb giới thiệu mô hình trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).
Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: các giống ngô biến đổi gen là các giống ứng dụng công nghệ sinh học rất cao, làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây ngô từ đó giảm chi phí sản xuất của bà con.
Do đó, cần tiếp tục được nhân rộng và phải gắn với thâm canh đúng quy trình.
Trên địa bàn tỉnh ta, Công ty Dekalb đã triển khai 60 mô hình trồng khảo nghiệm ngô biến đổi gen tại hai huyện Mai Sơn và Mộc Châu với các giống: DK6919S, DK6818S và DK9955S đây là các loại giống được Công ty đưa vào 2 gen kháng sâu đục thân, sâu đục bắp và gen chống chịu thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate.
Nhờ đó, khi trồng các giống ngô này, bà con nông dân giảm thiểu chi phí mua thuốc diệt trừ 2 loại sâu hại cây ngô nêu trên.
Mặt khác, bà con có thể phun thuốc trừ cỏ thẳng vào cây ngô mà không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của ngô vẫn diệt trừ được cỏ dại.
Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc kinh doanh miền Bắc của Công ty Dekalb: Qua nghiên cứu khảo sát thì trong canh tác cây ngô tại Sơn La chúng tôi thấy có hai vấn đề: phòng trừ sâu bệnh và quản lý cỏ dại là áp lực lớn đối với bà con nông dân.
Do đó, Công ty đưa giống ngô biến đổi gen vào trồng tại địa bàn tỉnh Sơn La, giúp bà con giải quyết được các áp lực trong canh tác cây ngô, giảm chi phí đầu vào, góp phần tăng năng suất cây trồng.
Thăm các điểm trồng khảo nghiệm đối chứng trồng giống ngô lai thông thường DK6818, DK6919 và ngô lai biến đổi gen DK6818S, DK6919S tại xã Mường Bon (Mai Sơn) và xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) cho thấy diện tích trồng giống ngô lai thông thường cỏ dại mọc xen lẫn ngô, thân cây ngô và bắp ngô có hiện tượng bị nhiễm sâu đục thân, đục bắp.
Đối với diện tích trồng giống ngô lai biến đổi gen thì sạch cỏ dại và đặc biệt là không có hiện tượng sâu bệnh trên cây ngô.
Sau thu hoạch, năng suất của giống ngô lai biến đổi gen đạt 10,4 tấn/ha cao hơn giống ngô lai thông thường là 0,8 tấn/ha.
Ông Phan Văn Triển, đội 12, xã Tân Lập (Mộc Châu) phấn khởi kể: Gia đình tôi có trồng khảo nghiệm 1 ha giống ngô lai thông thường DK6919 và 1 ha giống biến đổi gen DK6919S của Công ty Dekalb để đối chứng cho thấy, đối với giống ngô bình thường khâu làm cỏ thường trải qua 3 công đoạn là cuốc cỏ, cày xới, cày vun gốc còn đối với ngô biến đổi gen thì chỉ cần phun một lần thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate thì đã sạch cỏ dại do đó tiết kiệm công chăm sóc.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây ngô biến đổi gen xanh tốt hơn và khả năng sinh trưởng phát triển mạnh hơn.
Về năng suất của giống ngô biến đổi gen cao hơn 20-21%, chất lượng sau thu hoạch, về màu sắc thương phẩm hạt ngô giữa hai giống không khác nhau nhưng ngô biến đổi gen thì không có hiện tượng sâu đục giữa rãnh của hai hàng hạt ngô trên bắp do đó các thương lái ưa chuộng hơn.
Vụ sau gia đình tôi sẽ trồng giống ngô biến đổi gen trên toàn bộ diện tích trồng ngô của gia đình.
Sau khi được tham quan mô hình khảo nghiệm trồng ngô biến đổi gen của Công ty Dekalb tại xã Chiềng Sơn (Mộc Châu), anh Lò Văn Piêng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Chiềng Cang, xã Hua Păng (Mộc Châu) cho biết:
Qua tham quan mô hình, tôi thấy giống ngô biến đổi gen này rất có lợi vì có thể phun được thuốc trừ cỏ cháy chậm, sang năm tôi sẽ mua giống ngô này về trồng tại gia đình và tuyên truyền cho hội viên nông dân trong bản về giống ngô này.
Với lợi thế kháng sâu đục thân, sâu đục bắp và kháng thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate giống ngô biến đổi gen đã mang đến cho người nông dân thâm canh ngô với công chăm sóc ít nhất mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cao, không bị sâu bệnh phá hoại mùa màng, xứng đáng là “Áo giáp cho nhà nông”.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày này, nông dân tỉnh Tiền Giang đang tập trung chăm sóc lúa thu đông bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, với tổng diện tích hơn 38.000 ha, tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phú Đông, Gò Công Tây. Tuy nhiên, vào thời điểm này do thời tiết diễn biến phức tạp nên các đối tượng sâu bệnh, dịch hại đang có xu hướng tăng cao trên lúa thu đông.

Trong khi ở nhiều nơi, cây vụ đông mới bắt đầu lên xanh thì ở huyện Nam Sách (Hải Dương), những ruộng cà chua đã cho những trái quả đỏ, xanh.

Trong khi các “vựa rau” ở Tư Nghĩa hay TP.Quảng Ngãi tiêu điều vì bị mưa vùi gió dập thì nhiều ruộng la ghim của nông dân xã Đức Thạnh (Mộ Đức) lại bán được giá.

Bước vào niên vụ thu hoạch cà phê năm 2013, mặc dù giá nhân công đã “đội” lên, tăng cao so với những năm trước, song do thiếu nhân công tại chỗ nông dân vẫn phải “bấm bụng” thuê với giá cao…

Ngày 2/11, ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa cho biết huyện vừa có tờ trình xin UBND tỉnh Phú Yên cho phép sử dụng tạm thời 150ha mặt nước ở phía đông vịnh Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, đoạn từ bãi Bàng đến bãi Nhãn để sắp xếp 7.229 lồng nuôi trồng thủy sản của 271 hộ dân và 1 doanh nghiệp trong tỉnh đang nuôi thủy sản ở khu vực Vũng Rô.