Nghịch lý hoa quả ngoại vào siêu thị, hoa quả Việt chọn vỉa hè

Sự lấn át của hoa quả ngoại, sự nhường chỗ, chia sân của hoa quả Việt khiến cho nhiều người lo ngại, hoa quả trong nước sẽ thiệt đơn, hại kép khi Việt Nam chính thức hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thời gian tới.
Gần đây, trên các diễn đàn báo chí, dư luận và thực tế tại nhiều thành phố lớn, hoa quả đặc sản của nhiều vùng miền Việt Nam được đổ đống tại vỉa hè, bán trên đường phố với mức giá rất rẻ, rẻ đến mức nhiều người “kinh ngạc” không hiểu sao lại có thể sản xuất được những mặt hàng như vậy.
Thanh Long ruột đỏ - thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam bán tại vỉa hè với giá 15.000 đồng/kg.
Hết cảnh dưa hấu chất đống ven đường với giá 2.000 đồng/kg, đến nay, quả Thanh Long (Bình Thuận), dừa xiêm (Bến Tre), chôm chôm, mãng cầu hay vú sữa, măng cụt, sầu riêng…. đều chọn vỉa hè đường phố Hà Nội và một vài thành phố lớn làm đất "dụng võ". Điểm chung là các loại trái cây trên mặc dù ngon nhưng được bán với giá rất rẻ.
Đến lượt Thanh Long chịu chung số phận với dưa hấu?
Mới nhất là trường hợp của quả thanh long tại các tỉnh phía Nam. Theo ghi nhận, những trái Thanh long (Bình Thuận) bán đổ đống tại các tỉnh phía Nam với giá 10.000 đồng/ 4 kg.
Tại Hà Nội, mặt hàng này cũng chỉ có giá dao động khoảng 8.000 đồng/kg, loại ruột trắng và ruột đỏ có giá 15.000 đồng/kg. Đây là mức giá khiến nhiều người tiêu dùng nửa tin, nửa ngờ về chất lượng hàng hóa.
Tại TPHCM, Thanh Long ruột đỏ 10.000/4kg.
Điều nhiều người lo ngại, Thanh Long ruột đỏ được xem là loại hoa quả xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2013, mặt hàng này được mở cửa xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và nằm trong danh sách 10 loại hoa quả xuất khẩu có giá trị tỷ USD cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, theo khảo sát tại nhiều hệ thống siêu thị như BigC, Metro, FiviMart, Saigon Coop Mart… , nhiều loại hoa quả ngoại của Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Thái Lan đang tràn ngập. Sự lấn lướt của hàng ngoại đang đe dọa chỗ đứng của hoa quả Việt.
Siêu thị tràn ngập hoa quả ngoại xuất xứ từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc.
Theo đại diện siêu thị thực phẩm và rau quả tươi trên đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), xu hướng người tiêu dùng mua hoa quả nhập khẩu như táo Mỹ, Úc, hoa quả Hàn Quốc, Nhật Bản đang tăng dần. Nhiều quầy, kệ chủ yếu nhập hàng ngoại để đáp ứng yêu cầu của khách.
Hoa quả Việt Nam được bán tại siêu thị khá ít, không phải họ không nhập vào mà lượng mua không lớn, giá hoa quả tại siêu thị không thể theo kịp giá bán lẻ tại vỉa hè, khiến nhiều doanh nghiệp sợ ế nếu nhập hàng về.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm bán lẻ, mặc dù chưa thể khẳng định, bán hàng ở vỉa hè, chợ cóc, hàng rong là các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Nhưng rõ ràng, giá hàng bày bán tại vỉa hè rẻ chỉ bằng 50% thậm chí 70% so với giá tại siêu thị khiến phẩm cấp, chất lượng của các loại mặt hàng này không thể biết rõ.
TS Lương Xuân Quỳ - Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam chính là bài toán quy hoạch và đầu tư cho nông nghiệp. Vốn đầu tư giảm 1/3 so với trước kia; các quy hoạch bất cập như trồng cây gì, quy mô ra sao, nuôi con gì, thị trường ở đâu đang là bài giải khó chưa lời giải trong khi đất nước vẫn còn 70% dân số sống nhờ nông nghiệp.
Quả Thanh long ruột đỏ là thương hiệu mới xây dựng, vừa được chiếu xạ, xuất khẩu sang Mỹ, Nhật với giá hàng chục USD/kg lại bán đổ đống ven đường với giá chưa đến 10.000 đồng/kg, cho bò cũng không thèm ăn”.
Hoa quả ngoại trong các siêu thị, cửa hàng luôn ở những quầy, kệ đẹp nhất, tìm mỏi mắt mới thấy vài ba loại hoa quả Việt Nam.
TS Quỳ nhấn mạnh, tiêu dùng tại siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng kinh doanh đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, việc hàng hoa quả trong nước phải nhường chỗ hoặc bị hoa quả ngoại đánh bật khỏi các quầy, kệ siêu thị khiến cho hoa quả Việt ngày càng bị đẩy ra vỉa hè, lề đường.
Đây là một xu hướng thương mại không tốt, ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như phát triển của một số cây ăn quả của Việt Nam khi xem xét xuất khẩu ra thế giới.
Hàng loạt các mặt hàng hoa quả Việt Nam chọn vỉa hè làm chốn dung thân.
Ngoài những vấn đề to tát về quy hoạch và thị trường, theo lời một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoa quả ra nước ngoài: 1 kg quả cherry từ Úc có giá bán tại Việt Nam giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg, trong khi tìm hiểu quy trình trồng chăm sóc của họ rất đơn giản. Họ không sử dụng chất bảo quản, tuân thủ đúng tiêu chuẩn Globalgrap và họ đặc biệt chăm chút cho khâu thu hái, bao bì, nhãn mác và cách làm thương hiệu.
Còn nhìn lại hoa quả Việt Nam, chúng ta có rất nhiều đặc sản, nhưng chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, được mùa thì mất giá. Quả Thanh Long ruột đỏ vừa mới được Mỹ, Nhật chấp nhận cho phép xuất khẩu thì nay đã đổ đống vỉa hè, thu hái bằng sọt, bao bì… thì làm sao có giá cao để xuất khẩu được.
Có thể bạn quan tâm

So với cùng kỳ năm 2013, số hộ sản xuất nấm rơm, nấm sò trên địa bàn huyện giảm nhiều. Đến nay, toàn huyện mới có hơn 30 hộ đưa nguyên liệu vào sản xuất nấm, trong đó 20 hộ sản xuất nấm sò, 12 hộ sản xuất nấm rơm. Các xã có số hộ sản xuất nấm nhiều gồm: Đoàn Lập, Quang Phục, Bạch Đằng, Kiến Thiết.

Trong khi nông dân ở các tỉnh khác đang vất vả đối mặt với bệnh cây tiêu chết nhanh, chết chậm (CN - CC), thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ cả vườn tiêu thì tại BR - VT, từ 3 năm trở lại đây người trồng tiêu đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bệnh này khá hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, nông dân trong huyện đã sử dụng 450 ha diện tích rơm để trồng nấm, tập trung tại các xã: Kế Thành, Kế An, Thới An Hội, Đại Hải, Ba Trinh... Tranh thủ thời gian nông nhàn, lấy công làm lời, nhiều hộ nông dân khấm khá nhờ trồng nấm rơm.

Trước thực trạng cà chua khu vực Đà Lạt, Lâm Đồng được mùa rớt giá, có thời điểm giá thu mua cà chua xuống thấp, giá bán ra không đủ để bà con nông dân trang trải chi phí thu hoạch, dẫn đến tình trạng trái cây chín rụng cả gốc, nông dân thua lỗ nặng, hệ thống siêu thị Big C tích cực hỗ trợ tiêu thụ 150 tấn cà chua, đồng thời, tìm giải pháp quảng bá, tăng đầu ra cho bà con nông dân Đà Lạt, Lâm Đồng.

Vụ lúa thu - đông, toàn tỉnh Trà Vinh xuống giống được 86.850ha, đạt 99,37% kế hoạch. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được khoảng 10.558ha, tập trung ở huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, năng suất bình quân 5,32 tấn/ha, tăng 0,15 tấn/ha so với cùng kỳ.