Nghĩa Thắng Vẫn Đảm Bảo Nước Phục Vụ Tưới Tiêu

Theo ông Cao Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (Đắk R’lấp), hiện nay toàn xã có khoảng hơn 6.300 ha cây trồng; trong đó có 98 ha lúa nước và hơn 2.023 ha cà phê là loại cây nhiều nước tưới.
Để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng này, ngay từ đầu mùa khô, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch một cách chi tiết để điều tiết nước tại các công trình thủy lợi.
Theo đó, trên địa bàn xã có 3 công trình cung cấp nước phục vụ tưới tiêu là Công trình thủy lợi Bù Đốp, Công trình thủy lợi Quảng Thuận và Công trình thủy lợi Cầu Tư. Việc xả nước tại 3 công trình thủy lợi luôn được chính quyền xã và đơn vị quản lý trực tiếp ấn định theo từng ngày, từng thời điểm cụ thể trong tuần.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cho người dân về việc tiết kiệm nước tưới, sử dụng nước tưới cho cây trồng có hiệu quả cũng đã được địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Chính vì vậy, dù đang ở vào thời điểm nắng nóng, khô hạn nhất, nhưng nguồn nước trên địa bàn vẫn đủ sức để cầm cự hết mùa khô.
Chị Phạm Thị Duyên, trú tại thôn Bù Đốp (Nghĩa Thắng) cho biết: “Vài năm trở lại đây, người dân chúng tôi luôn an tâm về nguồn nước để tưới tiêu cho cây trồng. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương rất quan tâm và điều tiết việc xả nước tại các công trình thủy lợi một cách hợp lý, có hiệu quả”. Còn anh Trần Văn Hiếu, trú tại thôn Quảng Thuận (Nghĩa Thắng) cũng cho biết: “Mặc dù hiện nay vẫn được cung cấp đầy đủ nước để tưới tiêu cho cây trồng, nhưng theo khuyến cáo của chính quyền địa phương thì người dân chúng tôi vẫn phải hết sức tiết kiệm nhằm đề phòng thời tiết khô hạn kéo dài”.
Ngoài sự quan tâm điểu tiết của chính quyền địa phương, ý thức tiết kiệm của người dân thì việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương trên địa bàn cũng là một trong những điều kiện để Nghĩa Thắng giữ được nguồn nước tưới luôn đảm bảo. Theo đó, đã có 85% hệ thống kênh mương trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, góp phần giảm thiểu tối đa việc rò rỉ, lãng phí nguồn nước.
Cũng theo ông Khoa, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết cũng như lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn để điều tiết việc tưới tiêu của người dân một cách hợn lý, hạn chế tối đa tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới…
Có thể bạn quan tâm

Xã Vạn Phú là một trong những địa phương có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, xã có nhiều chân đất lúa chuyển đổi sang trồng cây bắp, đậu xanh, đậu phụng.

Hiện nay, nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động nguồn giống, tỉa dặm, gieo cấy lại gần 1,5 nghìn ha trên tổng số gần 3 nghìn ha lúa mất trắng do mưa lũ vừa qua.

Hàng năm, nông dân tỉnh Bình Định sản xuất trên dưới 10.000 tấn đậu phụng, song việc canh tác đậu phụng gặp nhiều khó khăn do sự tàn phá trên diện rộng của bệnh thối cổ rễ. Trong khi các biện pháp hóa học không hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chế phẩm (CP) sinh học Trichoderma đã mang lại triển vọng lớn: Tỉ lệ cây chết do bệnh thối cổ rễ giảm, năng suất tăng...

Huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có gần 15.000 ha vườn cây lâu năm; trong đó, đa số các vườn cây có thể kết hợp để nuôi gà thả vườn. Nhằm giúp những nhà vườn trong huyện có dự định nuôi gà thả vườn nắm vững kỹ thuật nuôi, thị trường tiêu thụ; vừa qua, phòng Nông nghiệp & PTNT Kế Sách tổ chức Hội thảo về mô hình nuôi gà ta thương phẩm quy mô gia trại tại Tổ hợp tác nuôi gà Nam Hải, xã Đại Hải. Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu, gồm đại diện các đoàn thể cấp huyện, các đơn vị nông nghiệp có liên quan và nông dân trong huyện.

Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa là một trong những dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam. Đây là dự án duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chọn khởi công để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.