Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghêu Giảm Giá, Nông Dân Vẫn Lãi Lớn

Nghêu Giảm Giá, Nông Dân Vẫn Lãi Lớn
Ngày đăng: 12/12/2012

Năm nay, phần lớn lượng nghêu (ngao) thu hoạch ở vùng ben biển tỉnh Tiền Giang chỉ được tiêu thụ nội địa nên giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh xuống còn 27.000 - 28.000 đồng/kg so với mức 35.000 đồng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, người nuôi nghêu vẫn có lãi, bởi nghêu nuôi không bị chết bất thường như hai năm trước, và với mức giá hiện nay, lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu vẫn rất cao.

Nghêu miền Tây “đụng hàng” nghêu phía Bắc

Nhiều nông dân cho biết, nghêu năm nay dù không bị chết hàng loạt vào tháng 2 - 3 âm lịch như 2 năm trước và cũng không bị chết do bùn lấp, nhưng nghêu rất chậm lớn và ốm so với mọi năm nên phần lớn diện tích nghêu thả giống năm ngoái đến nay chỉ thu hoạch theo kiểu thu tỉa thả bù, sản lượng không cao. Chính vì vậy, các thương lái mua nghêu với số lượng lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu không tới thu mua do lo ngại gia tăng chi phí.

Tuy nhiên, thời gian tới nhiều bãi nghêu tới cỡ thu hoạch với sản lượng nghêu lớn nên nhiều thương lái thu mua nghêu sẽ đổ xô về đây thu gom, giá nghêu có thể tăng cao hơn. Ông Võ Quốc Cường, chủ sân nghêu hơn 50 héc ta ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, năm nay tốc độ phát triển nghêu chậm hơn một tháng so với mọi năm, nên hơn 50 héc ta nghêu nuôi của gia đình ông phải chờ tới 1 - 2 tháng nửa mới bắt đầu thu hoạch.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, diện tích thả nuôi nghêu của tỉnh năm 2012 là 1.179,9 héc ta, giảm 44% so với năm 2009 (năm nghêu không chết bất thường), tập trung chủ yếu ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Nghêu giống được thả tập trung vào tháng 10/2011, với kích cỡ 300 – 500 con/kg (nghêu trung), mật độ thả 150 - 200 con/m2. Đến nay, sản lượng thu hoạch khoảng 13.250 tấn, tăng gần gấp đôi năm 2011 nhưng giảm gần 42% so với năm 2009.

Những năm trước, nghêu nuôi ở vùng biển của tỉnh Tiền Giang chủ yếu được bán cho các thương lái thu gom cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu với lượng bắt mỗi ngày vài chục tấn nghêu. Tuy nhiên, năm nay, đa số các thương lái tới các bãi nghêu này chỉ để thu mua tiêu thụ nội địa với lượng nghêu bắt mỗi ngày chỉ 2 - 3 tấn.

Ông Phạm Văn Kiệp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết, nghêu có giá thấp một phần do nghêu năm nay ốm (ít thịt) hơn mọi năm. Quan trọng hơn, năm nay đa phần nghêu chỉ được thương lái thu mua đem về chợ đầu mối thủy sản Bình Điền, TPHCM để phân phối tiêu thụ trong nước, nhưng lượng nghêu này lại đụng với nghêu được nuôi ở các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định,… đem vào với giá chỉ 18.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí có khi chỉ 12.000 đồng/kg loại 50 - 52 con/kg, nên kéo giá nghêu ở các tỉnh ĐBSCL xuống theo.

“Có thương lái thu mua nghêu ở xã Tân Thành với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg nhưng khi đem lên chợ đầu mối thủy sản Bình Điền “đụng” nghêu từ các tỉnh phía Bắc đem vào bán với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg. Vì không chấp nhận lỗ, thương lái này phải chở nghêu về bãi biển Tân Thành tiếp tục thả nuôi để chờ giá cao hơn”, ông Kiệp cho biết thêm.

Người nuôi nghêu vẫn lãi cao

Hiện nay, dù giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh so với cuối năm ngoái nhưng người nuôi nghêu ven biển tỉnh Tiền Giang vẫn có lợi nhuận hấp dẫn, dù mức lãi này đã thấp hơn rất nhiều lần so với cách đây 7 - 10 năm trước.

Ông Võ Quốc Cường cho biết, hiện nay giá nghêu thương phẩm loại 50 - 55 con/kg được thương lái thu mua tại bãi với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg nếu thương lái chịu tiền công cào nghêu; còn nếu chủ sân nghêu chịu tiền công cào thì thương lái thu mua với 28.000 - 29.000 đồng/kg.

Theo ông Cường, thời điểm này, lợi nhuận của nghề nuôi nghêu thịt trong khu vực ĐBSCL là hơn 100%; chỉ cần giá nghêu trên 20.000 đồng/kg là người nuôi nghêu đã có lãi khá để tiếp tục tái sản xuất. Với năng suất nuôi nghêu ở Tiền Giang khoảng 15 - 20 tấn/héc ta, nếu chủ sân nghêu nào có nghêu thu hoạch thì sau khi trừ chi phí người nuôi nghêu có thể lãi từ 200 - 280 triệu đồng/héc ta.


Có thể bạn quan tâm

Không lơ là trong phòng ngừa dịch hại trên mía Không lơ là trong phòng ngừa dịch hại trên mía

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện tại, tuy tình hình dịch hại trên cây mía có xu hướng giảm do bà con nông dân chủ động phòng ngừa ngay từ đầu vụ, tuy nhiên, với diễn biến thời tiết phức tạp (nắng mưa xen kẽ), đặc biệt là các trà mía trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 6 - 7 tháng tuổi và đang trong quá trình vươn lóng.

20/06/2015
Giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục 240.000 đồng/kg Giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục 240.000 đồng/kg

Tại các tỉnh Đông Nam bộ, thời điểm trung tuần tháng 6 này, giá hồ tiêu đang lên rất cao, đạt mức 240.000 đồng/kg. Theo đó, tại các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng (Bình Phước), Xuyên Mộc, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), Xuân Lộc (Đồng Nai)… trong 10 ngày qua, thương lái đang “lùng sục” thu mua tiêu đen nhưng hàng trong dân không còn nhiều.

20/06/2015
Trồng mè lãi trên 4 triệu đồng/công Trồng mè lãi trên 4 triệu đồng/công

Vụ hè thu 2015, nông dân xã Hòa Bình (Chợ Mới, An Giang) xuống giống 150 héc-ta mè, tăng 60 héc-ta so năm trước. Hiện nay, nông dân thu hoạch dứt điểm 100% diện tích xuống giống, năng suất từ 150 - 180 kg/công. Với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi công mè mang lại lợi nhuận từ 4 - 5 triệu đồng.

20/06/2015
Cây đa tác dụng trên đất vùng cao Cây đa tác dụng trên đất vùng cao

Việc lựa chọn cây trẩu để trồng rừng ở một số địa phương trong tỉnh Lào Cai bước đầu đã mang lại “lợi ích kép” giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

20/06/2015
Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế Mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế

Sau nhiều năm chăn nuôi bò theo phương pháp cũ không mang lại hiệu quả, anh Đặng Ngọc Phong (SN 1981) ngụ ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc nuôi bò vỗ béo và bán bò giống. Mô hình chăn nuôi này giúp giảm chi phí, công lao động và đảm bảo môi trường, vừa cho lợi nhuận kinh tế cao.

20/06/2015