Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Ở Huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.
Có hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Trần Thế Vĩnh ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú cho biết, nghề nuôi vịt nhiều rủi ro nhưng bù lại, nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, đàn vịt mau lớn, đồng thời nếu chịu khó chạy đồng để vịt kiếm ăn no đủ sẽ giảm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao.
Không nhiều đất canh tác, thu nhập của gia đình anh Vĩnh phụ thuộc vào nghề nuôi vịt. Mỗi năm, anh nuôi 3 đợt theo vụ lúa, riêng vụ hè thu chính vụ thời gian "ăn đồng" dài hơn nên anh mạnh dạn tăng đàn. Hiện, anh đang cho chạy đồng đàn vịt nuôi lấy thịt gần 1.000 con, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc bươu vàng, lúa đổ nên tiết kiệm chi phí thức ăn công nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người nuôi vịt không mạnh dạn tăng đàn vì sợ rủi ro. Có thời gian, mỗi vụ anh phát triển đàn vịt trên 1.300 con và cho chạy đồng sang các địa phương lân cận. Khá vất vả, cực nhọc và tính chi phí chuyên chở không cho lợi nhuận bao nhiêu nên mấy năm gần đây anh chủ yếu cho vịt chạy đồng tại địa phương.
Trên các cánh đồng mới thu hoạch ở xã Tân Bình, ngoài vịt chạy đồng của nông dân địa phương, còn có đàn vịt hàng ngàn con của nông dân các tỉnh lân cận di chuyển đến. Đang thả đàn vịt 3.000 con mót lúa và cua ốc trên một cánh đồng ở ấp 2, anh Trần Hoàng (ở tỉnh Long An) cho biết, nuôi vịt chạy đồng hiệu quả nhất là mùa nước nổi vì nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thêm đồng ruộng vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu chính vụ, chạy đồng đủ mồi ăn nên vịt lớn nhanh, người nuôi sẽ giảm bớt chi phí. Ở mỗi cánh đồng, anh Hoàng trả cho chủ ruộng 10.000 đồng/công và lưu đàn vịt gần một tháng. Với hình thức chăn nuôi này, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận khoảng 60%. Kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Hoàng luôn thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh để đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của ngành thú y.
Là một trong các huyện trọng điểm sản xuất lúa, nghề nuôi vịt chạy đồng ở huyện Cai Lậy khá phát triển, trung bình mỗi năm, có trên 200 hộ chăn nuôi vịt dưới hình thức chạy đồng. Tuy vất vả nhưng đây là nghề giúp không ít hộ có thu nhập đáng kể. Ngoài số lượng đàn vịt nuôi tại địa phương, sau mỗi vụ lúa, còn có vịt chạy đồng ở các địa phương lân cận di chuyển đến.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh từ hình thức chăn nuôi thả rong này, ngành thú y huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm A H5N1, khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiến hành đăng ký chăn nuôi. Các địa phương theo dõi và quản lý chặt chẽ các đàn vịt từ nơi khác đến, giám sát việc tiêm phòng dịch bệnh. Thiết nghĩ, để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi vịt chạy đồng, rất cần ý thức và sự hợp tác của người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Trang trại của gia đình anh Tạ Văn Thắng, thôn Đống Long, xã Hoà Lâm (Ứng Hoà, Hà Nội) chỉ rộng 4 mẫu, nhưng doanh thu năm 2011 lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá cá tra nguyên liệu được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá dưới 20.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 - 7.500 đồng so với tháng 1/2012. Đây là mức giá cá tra thấp nhất ở khu vực ĐBSCL kể từ năm 2011 đến nay.

Tại cuộc họp chiều 29/5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết dịch lợn tai xanh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở khu vực đồng bằng sông Hồng với 5 địa phương ghi nhận có dịch là Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình.

Giá thu mua tôm hùm thương phẩm ở Phú Yên chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg tôm loại 1 và 1 triệu đồng/kg tôm loại 2 và loại 3, thấp hơn tuần trước 100.000-150.000đ/kg.

Trong những ngày này, về miệt Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông (Tân Phước), những vùng trồng chuyên canh khoai mỡ nổi tiếng nhất Đồng Tháp Mười (Tiền Giang), mọi người đều bắt gặp không khí lao động sản xuất nhộn nhịp mùa thu hoạch nông sản. Người cào cỏ, kẻ đào, người xếp khoai vào sọt để cân rồi chuyển xuống ghe xuồng theo chân thương lái đưa đi tiêu thụ khắp các nơi. Bà con năm nay hết sức phấn khởi vì trúng mùa trúng giá.