Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Ở Huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.
Có hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Trần Thế Vĩnh ở ấp Bình Trị, xã Bình Phú cho biết, nghề nuôi vịt nhiều rủi ro nhưng bù lại, nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng qui trình kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, đàn vịt mau lớn, đồng thời nếu chịu khó chạy đồng để vịt kiếm ăn no đủ sẽ giảm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao.
Không nhiều đất canh tác, thu nhập của gia đình anh Vĩnh phụ thuộc vào nghề nuôi vịt. Mỗi năm, anh nuôi 3 đợt theo vụ lúa, riêng vụ hè thu chính vụ thời gian "ăn đồng" dài hơn nên anh mạnh dạn tăng đàn. Hiện, anh đang cho chạy đồng đàn vịt nuôi lấy thịt gần 1.000 con, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cua, ốc bươu vàng, lúa đổ nên tiết kiệm chi phí thức ăn công nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người nuôi vịt không mạnh dạn tăng đàn vì sợ rủi ro. Có thời gian, mỗi vụ anh phát triển đàn vịt trên 1.300 con và cho chạy đồng sang các địa phương lân cận. Khá vất vả, cực nhọc và tính chi phí chuyên chở không cho lợi nhuận bao nhiêu nên mấy năm gần đây anh chủ yếu cho vịt chạy đồng tại địa phương.
Trên các cánh đồng mới thu hoạch ở xã Tân Bình, ngoài vịt chạy đồng của nông dân địa phương, còn có đàn vịt hàng ngàn con của nông dân các tỉnh lân cận di chuyển đến. Đang thả đàn vịt 3.000 con mót lúa và cua ốc trên một cánh đồng ở ấp 2, anh Trần Hoàng (ở tỉnh Long An) cho biết, nuôi vịt chạy đồng hiệu quả nhất là mùa nước nổi vì nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thêm đồng ruộng vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu chính vụ, chạy đồng đủ mồi ăn nên vịt lớn nhanh, người nuôi sẽ giảm bớt chi phí. Ở mỗi cánh đồng, anh Hoàng trả cho chủ ruộng 10.000 đồng/công và lưu đàn vịt gần một tháng. Với hình thức chăn nuôi này, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận khoảng 60%. Kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi vịt chạy đồng, anh Hoàng luôn thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh để đảm bảo an toàn và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát của ngành thú y.
Là một trong các huyện trọng điểm sản xuất lúa, nghề nuôi vịt chạy đồng ở huyện Cai Lậy khá phát triển, trung bình mỗi năm, có trên 200 hộ chăn nuôi vịt dưới hình thức chạy đồng. Tuy vất vả nhưng đây là nghề giúp không ít hộ có thu nhập đáng kể. Ngoài số lượng đàn vịt nuôi tại địa phương, sau mỗi vụ lúa, còn có vịt chạy đồng ở các địa phương lân cận di chuyển đến.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh từ hình thức chăn nuôi thả rong này, ngành thú y huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm A H5N1, khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiến hành đăng ký chăn nuôi. Các địa phương theo dõi và quản lý chặt chẽ các đàn vịt từ nơi khác đến, giám sát việc tiêm phòng dịch bệnh. Thiết nghĩ, để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn và đảm bảo hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi vịt chạy đồng, rất cần ý thức và sự hợp tác của người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước - trên 55.000ha. Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện một số hộ tự phát nhân - nuôi đuông dừa với mục đích kinh doanh, vì ấu trùng đuông dừa là món ăn đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn. Đây là một việc làm rất nguy hiểm, cần được sớm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh làm lây lan gây hại cho vườn dừa.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay, toàn huyện có gần 400 ha cam Đường Canh và cam Vinh, tăng 20 ha so với năm trước; trong đó có hơn 200 ha cho thu hoạch, tập trung ở xã Thanh Hải, Tân Quang, Quý Sơn…

I. Ðiều kiện ao nuôi : - Các ao hồ ở trong làng xóm, do đào ao vật thổ tạo ra; nếu ao bị tù, cơm bùn đóng lại quá nhiều, phải tát cạn, dọn sạch cây que, nếu ao nhỏ phải được cải tạo, phá bờ ao nhỏ làm thành ao có diện tích 360 m2 - 1.500m2; vét (hút) bớt bùn lên vườn, chỉ để lại 1 lớp 20 - 30cm;

Thời điểm này, người nuôi thuỷ sản trong tỉnh Bắc Giang đang tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho mùa cá mới. Năm nay, thay vì mở rộng diện tích, người dân chú trọng đến năng suất, chất lượng hơn bằng cách nuôi thâm canh, chọn các loại cá được thị trường ưa chuộng.

Thời điểm này, người nuôi thuỷ sản trong tỉnh Bắc Giang đang tất bật chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho mùa cá mới. Năm nay, thay vì mở rộng diện tích, người dân chú trọng đến năng suất, chất lượng hơn bằng cách nuôi thâm canh, chọn các loại cá được thị trường ưa chuộng.