Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng

Dân gian có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Câu nói ấy cho thấy sự rủi ro rất lớn trong nghề nuôi vịt chạy đồng.
Năm nào cũng vậy, khi những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong, thì đó cũng là lúc những người nuôi vịt chạy đồng bắt đầu vào vụ.
Từ tờ mờ sáng, trong tiết trời se lạnh của những ngày lập đông, những chủ trại vịt đã thức dậy để chuẩn bị cho vịt ra đồng ăn lúa. Anh Nguyễn Bá Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang thả đàn vịt tại xã Hưng Phú (huyện Phước Long) tâm sự: “Cái nghề này đã gắn với tôi từ lâu lắm. Những năm trước, tôi theo gia đình đi khắp nơi, ở đâu có đồng lúa vừa thu hoạch là đến xin đồng cho vịt ăn. Giờ tôi lại nối tiếp cái nghề mà gia đình tôi từng gắn bó”.
Nuôi vịt thì chạy đồng, nuôi gà thì thả vườn - đó là cách chăn nuôi truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng sông nước. Với những người nuôi vịt chạy đồng như anh Thành, việc tìm đồng cho vịt ăn lúc trước rất dễ dàng. Chỉ cần đến hỏi là chủ đất gật đầu cho vịt vào ăn, vì vịt sẽ ăn các bông lúa còn sót và diệt trừ cua, ốc trên đồng. Thế nhưng hiện nay, để có đồng cho vịt vào ăn, người chủ vịt phải trả cho chủ đất từ 20.000 - 40.000 đồng/công. Còn đối với những người “trong nghề”, họ sẵn sàng chia sẻ đồng với nhau để vịt nuôi có đủ thức ăn. Họ xem nhau như người thân, sẵn sàng chia sẻ từng cọng rau, con cá trong bữa cơm đạm bạc mang theo ăn vội trong lúc vịt chạy đồng.
Đa phần những người nuôi vịt chạy đồng đều có cuộc sống vất vả. Tuy nhiên, nếu là chủ vịt, thì có thể “đổi đời”, còn với những người chăn vịt mướn thì cuộc sống rất bấp bênh. Anh Thạch Liêu (tỉnh An Giang) - người chăn vịt mướn cho anh Thành tâm sự: “Làm nghề này cực lắm! Phải có sức khỏe, chịu được mưa gió, ăn bụi, ngủ bờ”.
Ngoài việc chịu đựng cực khổ, khó khăn, người nuôi vịt chạy đồng còn gặp nhiều rủi ro. Nếu chẳng may vịt gặp phải dịch bệnh, sẽ lâm vào cảnh bi đát. Và đã có nhiều chủ vịt phải “giũ mành mành” lầm lũi trở về quê với hai bàn tay trắng và nợ nần.
Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.
Có thể bạn quan tâm

Trong những ngày gần đây, cuộc sống của nhiều diêm dân ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) gặp nhiều khó khăn vì giá muối chỉ ở mức 400 - 450 đồng/kg, thậm chí chẳng có người mua. Ngược lại, cách đấy khoảng 120 km về phía Bắc, diêm dân ở đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) lại chẳng chịu bán với giá 1.400 - 1.600 đồng/kg, dù có rất nhiều tư thương đến mua.

Trước hết, chúng ta cần nghiên cứu hiệu quả kinh tế của việc sản xuất vụ lúa hè thu (HT) ở ĐBSCL so với các vụ khác trong năm, để từ đó chú ý nâng cao hiệu quả của việc bón phân cho vụ lúa này.

Trong lúc đánh bắt cá trên sông Quán Trường, thuộc địa bàn xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang), anh Võ Văn Rỡ, trú xã Vĩnh Hiệp đã bắt được một con cá có hình thù kỳ lạ, nặng 1kg. Theo quan sát bên ngoài, đây là một loài cá có đầu và hàm răng giống cá sấu, mình giống như loài cá lóc nhưng lớp vảy lại y như vảy rắn hổ mang

Dự án 12.000 m2 xin nuôi tôm của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) trong khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ không được chấp nhận

Khoảng 6-7 năm trước, tôi nhớ đã mấy lần cùng TS. Phùng Đức Tiến- GĐ Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương, lặn lội lên Trại chăn nuôi đà điểu Ba Vì. Ngày đó anh mới nhậm chức đâu được vài năm, tôi mới quen anh rồi ấn tượng luôn đó là một con người hết sức nhiệt huyết. Nói chuyện với người như thế cánh báo chí rất thích, gọi là lối nói chuyện có lửa