Nghề nuôi ong ở Quảng Yên (Quảng Ninh)

Đến khu Cống Mương, phường Phong Hải, TX Quảng Yên, hỏi thăm nhà ông Ngô Văn Thu (70 tuổi) người đã có mấy chục năm nuôi ong lấy mật, thì hầu như ai cũng biết. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thu cho biết, từ những năm ông còn là thanh niên, ông đã nuôi ong rồi. “-Có lúc tôi đi vào những khu rừng ở Động Linh, Hang Son hay thậm chí lên cả khu rừng già… để tìm ong chúa. Con ong chúa cũng rất tinh và khôn. Nếu không để ý, khéo léo thì không bắt được nó…”.
Hơn 10 năm lăn lộn sớm hôm rừng sâu, nước thẳm, ông Thu đã có trong tay kinh nghiệm nuôi ong mật. Ngoài ra, ông Thu còn học hỏi, xem sách báo, bạn bè ở Hoàng Tân, Tân An v.v.. để thêm kinh nghiệm nuôi, chăm sóc ong mật. Từ đó, đến nay ông đã trở thành “chuyên gia bắt bệnh” cho ong. Bình quân mỗi năm ông nuôi từ 40 - 50 đàn ong lấy mật và bán ong giống cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Ông Thu cho biết: “Bình quân mỗi đàn ong có thể cho 15 lít mật trong một vụ, ngoài ra từ đàn ong đó tách ra được 1 - 2 đàn bán ong giống.
Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc mà chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường, như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi… Ong có thể nuôi tĩnh tại hoặc di chuyển theo mùa hoa để có chất lượng mật tốt nhất. Về kinh tế thì nuôi ong rất hiệu quả…”. Ông Thu còn cho biết thêm: “Hiện nay, tôi và một số bạn nuôi ong ở Quảng Yên đang có ý định thành lập và phát triển Hiệp hội nuôi ong mật TX Quảng Yên. Tỉnh đang có đề án OCOP mỗi xã, phường một sản phẩm. Chính vì lý do này tôi và một số bạn ở Hoàng Tân đang tích cực xây dựng thương hiệu mật ong rừng để quảng bá sản phẩm ra tới bạn bè trong tỉnh và cả nước về thương hiệu mật ong rừng này”.
Nhờ nghề nuôi ong mà gia đình ông Thu nuôi các con ăn học đầy đủ, xây dựng nhà cửa khang trang. Học tập mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Thu, nhiều hộ dân ở phường Phong Hải cũng đã tiến hành nuôi ong lấy mật, từng bước vươn lên làm giàu tại địa phương.
Hiện nay, ở TX Quảng Yên ngoài những hộ như ông Thu ở Phong Hải còn có nhiều người dân ở các xã, phường khác đang tích cực nuôi ong lấy mật như Tân An, Tiền An, Hoàng Tân v.v.. Hiện nay, chỉ tính riêng xã Tiền An có gần 100 hộ gắn bó nghề nuôi ong lấy mật. Thời gian qua, TX Quảng Yên đã nỗ lực triển khai việc đưa các sản phẩm nông sản đặc trưng của thị xã và sản phẩm trong Chương trình “Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” tham gia Hội chợ OCOP 2015. Sau các sản phẩm nổi tiếng của Quảng Yên như: Hà Hoàng Tân, nem chua Quảng Yên, bánh gio Hà Nam tham gia Hội chợ OCOP 2015 và đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với người tiêu dùng, thời gian tới, để tiếp tục giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Yên đến với thị trường trong và ngoài tỉnh, mật ong Hoàng Tân cũng đã được UBND thị xã lựa chọn bổ sung thêm vào Chương trình OCOP năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Thiên nhiên vốn ưu đãi cho TP Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên, môi trường phong phú, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Song khu vực này đang chịu tác động từ nhiều phía, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, làm hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản thành phố cảng.

Năng suất lúa của Cà Mau trong những năm gần đây đã được nâng lên, đó là nhờ vào sự thay đổi giống lúa có chất lượng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, không ít hộ dân còn chạy theo tiêu chí “hàng ngoại tốt hơn hàng nội”, từ đó họ phải trả thêm một phần “chi phí ảo” cho loại giống này.

Sau hai thương hiệu sản xuất, chế biến cà phê sạch khá thành công trên thị trường, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum vừa có thêm thương hiệu cà phê sạch thứ ba hoạt động trên cơ sở tự nguyện góp vốn, vườn cây của nông dân và sản xuất kinh doanh thông qua mô hình hợp tác xã.

Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) có phong trào trồng chuối tây tại các thửa đất đồi bạc màu cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.