Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Nuôi Chim Trời

Nghề Nuôi Chim Trời
Ngày đăng: 22/07/2014

Nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ai đầu tư cũng thành công. Nó được ví là nghề nuôi “chim trời, cá bể” vì có người đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà thu hút yến nhưng chim không về, song có nơi loài chim này tự tìm về làm tổ nơi nhà kho hay chính trong căn nhà cho người ở.

Nghề nuôi chim yến đã thịnh hành tại Đồng Nai từ nhiều năm nay, hiện toàn tỉnh có khoảng 180 cơ sở nuôi chim yến. Tổ yến từ các cơ sở nuôi thường được bán trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng, không phải qua nhiều khâu trung gian, tầng nấc như nhiều mặt hàng khác.

* Làm nhà cho yến

Nhiều người nuôi chim yến cho rằng tuy có nhiều kỹ thuật, bí quyết để “gọi” chim yến về xây tổ, nhưng nó còn như “lộc trời ban” vì không phải cứ mạnh vốn đầu tư là được. Người nuôi cần có chút duyên để gặp được chim yến, nhưng muốn gắn bó lâu dài với nghề thì phải trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm.

Anh Hoàng Công Tuân, Giám đốc Công ty yến sào Hoàng Linh (TP.Biên Hòa), kể: “Nghề nuôi chim yến đến với gia đình tôi một cách tình cờ khi đàn yến về làm tổ trong nhà. Nhưng sau đó tôi thuê chuyên gia nước ngoài về khảo sát, tư vấn rồi mới quyết định đầu tư máy móc “gọi” chim và chuyển đổi 2 tầng lầu phía trên làm nhà cho yến về làm tổ”.

Chị Nguyễn Thị Ánh Trang, chủ cơ sở yến sào Hải Triều (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư 4 nhà nuôi yến tại Đồng Nai và Lâm Đồng.

Tùy vào vùng đất, lượng chim về làm tổ mà mỗi nhà yến cho sản lượng tổ yến khác nhau, nhưng nhìn chung hiệu quả của nghề này rất cao vì đây là chim trời, người nuôi không mất chi phí thức ăn hay công chăm sóc. Loài chim này cũng hầu như không xảy ra dịch bệnh gì. Đàn yến tăng trưởng đều hàng năm khi có thêm nhiều chim non trưởng thành ra làm tổ mới.”

Ông Lê Phú Trung, chủ cơ sở Trung Chánh (huyện Trảng Bom), cơ sở nuôi chim yến và chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật, thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến, nhận xét: “Phong trào nuôi chim yến tại Đồng Nai diễn ra sôi nổi từ năm 2010 đến 2012. Tuy đây là mô hình mang lại hiệu quả cao nhưng không phải ai đầu tư cũng “thắng”, thực tế nhiều người bỏ tiền tỷ nhưng mất trắng vì yến không về làm tổ. Hiện nay, vẫn có người đầu tư nuôi yến nhưng đã cẩn trọng hơn nhiều. Qua thời gian sàng lọc, nghề nuôi yến đang phát triển dần theo hướng chuyên nghiệp”.

* Sản phẩm “vườn nhà” đắt hàng

Tuy đã hình thành nghề nuôi nhưng chim yến hoàn toàn phát triển ngoài tự nhiên, sản lượng tổ yến thu về mỗi tháng thường chỉ tính bằng ký nên sản phẩm này có giá đến vài chục triệu đồng/kg. Hiện nay, thị trường tổ yến khá đa dạng, vàng thau lẫn lộn nên người tiêu dùng thường thận trọng khi chọn mua dòng sản phẩm này.

Và họ thường chỉ tin tưởng khi tìm mua tận gốc tại các cơ sở sản xuất. Vì thế, các cơ sở nuôi yến rất quan tâm đến việc làm nhãn hàng riêng, tổ chức sơ chế và đóng gói sản phẩm để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

“Áp lực cạnh tranh trong ngành yến sào ngày càng lớn, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài thị trường lại không thiếu các mặt hàng trôi nổi, giá nào cũng có, nhất là dòng yến sào nhập khẩu giá chỉ hơn 1 triệu đồng/100gr đang đội lốt hàng Việt bán với giá cao cho người dùng. Chính vì vậy, khi mua dòng sản phẩm này, khách hàng nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm” - anh Hoàng Công Tuân cảnh báo.

Theo chị Nguyễn Thị Ánh Trang: “Những người khách đầu tiên tiêu thụ tổ yến của cơ sở đều là người quen, bạn bè. Dần dần, khách biết tiếng tìm đến tận cơ sở đặt mua. Tuy có thương lái đến đặt vấn đề mua sỉ nhưng tôi chủ yếu để dành hàng bán trực tiếp cho khách vì muốn sản phẩm luôn có giá cạnh tranh nhất do không phải qua khâu trung gian nào. Để đáp ứng nhu cầu của khách, cơ sở cũng quan tâm đến việc tổ chức sơ chế, đa dạng sản phẩm”.

Ông Năm Huệ, chủ Khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều, chia sẻ: “Tôi xây nhà nuôi yến ngay trong vườn bưởi. Loài chim này ăn côn trùng nên vừa tốt cho vườn cây, làng bưởi cũng có thêm sản phẩm phục vụ khách du lịch. Tổ yến được khách ở TP.Hồ Chí Minh tin tưởng mua về sử dụng và làm quà biếu vì họ đã về tận nơi sản xuất mua hàng”.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả tổ sản xuất giống ở xã Mỹ Hòa Hiệu quả tổ sản xuất giống ở xã Mỹ Hòa

Vụ lúa đông xuân năm nay, 40 hộ dân trong Tổ sản xuất giống ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười rất phấn khởi khi thu hoạch lúa trúng mùa, trúng giá. Đó chính là kết quả mà những hộ nông dân này gặt hái được khi tham gia cánh đồng liên kết sản xuất giống với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang.

15/05/2015
Người nông dân dám nghĩ, dám làm Người nông dân dám nghĩ, dám làm

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, ông Phan Văn Nguyên ở ấp 2, xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh từng bước xây dựng mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

15/05/2015
Phê duyệt danh mục Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Phê duyệt danh mục Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

15/05/2015
Nghề cắt hom tràm thuê Nghề cắt hom tràm thuê

Giữa cánh đồng tràm giống cao sản rộng trên 3 hécta ở KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, cụ bà Hoàng Thị Vẻ nay đã 75 tuổi với nước da đen sạm đang chậm rãi cắt từng nhánh tràm non (hay còn gọi là hom tràm) giữa trời nắng nóng. Bà Vẻ cho biết, bà theo những người ở cùng KP.4 đi cắt hom tràm thuê được gần 4 năm nay, ngay từ lúc nghề này mới bắt đầu phát triển.

15/05/2015
Trái cây hè vào vụ trễ Trái cây hè vào vụ trễ

Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, như: sầu riêng, chôm chôm… trễ hơn cả tháng so với mọi năm. Thêm vào đó, ở giai đoạn ra hoa các loại cây ăn trái lại bị ảnh hưởng thất thường của mưa đầu mùa, gây ảnh hưởng mạnh đến năng suất, chất lượng.

15/05/2015