Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Sơn La)

Phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Đà đang là hướng đi mới của xã Chiềng Hoa (Mường La - Sơn La) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã thông tin: Hiện, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn, thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà Sàng, Tả và Áng. Đồng thời, phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá.
Đến nay, hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.
3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và được đầu tư chiều sâu.
Ngoài đầu tư về kinh phí, Chi cục đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã tổ chức cho nhân dân tham quan học tập kinh nghiệm ở những vùng đã nuôi cá lồng; hướng dẫn nông dân cách làm lồng cá, chăm sóc cá trong từng giai đoạn sinh trưởng, kiểm tra thức ăn và lượng cá ăn hằng ngày để điều chỉnh phù hợp; kiểm tra lồng thường xuyên, vệ sinh lồng định kì...
Từ năm 2012 đến nay, xã được huyện hỗ trợ 7 lồng cá, với mức hỗ trợ 18 triệu đồng/lồng; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ 2 lồng. Hiện toàn xã có 22 lồng nuôi các loại cá trắm cỏ, chép, rô phi lai, trôi... sản lượng bình quân từ 2,5 - 3 tạ cá/lồng, trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng/lồng.
Là hộ nghèo, anh Hoàng Văn Đức, bản Tả được hỗ trợ nuôi cá lồng, ngay vụ đầu tiên đã thu nhập hơn 50 triệu đồng. Anh Đức kể: Năm 2012, tôi được hỗ trợ nuôi 1 lồng cá và được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng. Áp dụng kiến thức vào thực tế nuôi cá, vụ đầu tiên, tôi thu lãi 17 triệu đồng.
Kết quả đó đã giúp tôi mạnh dạn đầu tư tiếp 2 lồng cá nữa. Tôi rút ra kinh nghiệm nuôi cá từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi nước hồ lên thì thả cá trắm, chép, rô phi, nguồn thức ăn chủ yếu là ngô, cám gạo và sắn, điều quan trọng là giữ vệ sinh môi trường nước, để tránh dịch bệnh. Cá lồng bán được giá, thu hoạch đến đâu, thương lái đến tận hồ mua, trung bình từ 90 - 100 nghìn đồng/kg.
Nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã Chiềng Hoa đã và đang mở ra hướng đi mới cho người dân. Huyện Mường La cũng đã quy hoạch thành vùng phát triển thủy sản của huyện; xây dựng cơ sở sản xuất các loại cá giống truyền thống; cử cán bộ đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nhân dân...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự cố gắng nỗ lực của người dân, nghề nuôi cá lồng ở xã đã và đang được nhân rộng, góp phần thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 4-3, tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình phối hợp với Nông trường Sông Hậu tổ chức hội thảo giới thiệu, đánh giá các giống lúa mới và tăng cường hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh lúa giống”.

Tại một số địa phương chuyên canh về cây lúa của huyện Krông Ana (Dak Lak), hiện người dân đã chuyển đổi một phần diện tích lúa sang trồng khoai lang với lý do: lợi nhuận sau khi trừ chi phí cao hơn hẳn trồng lúa…

Từ lâu, thanh long là loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, được trồng tập trung ở huyện Chợ Gạo. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang), bên cạnh cây khóm và khoai mỡ, cây thanh long cũng đã bén rễ ở vùng đất mới này.

Năm 2013, trên địa bàn huyện Krông Bông (Dak Lak) chỉ gieo trồng hơn 40 ha dưa hấu, do thời tiết thuận lợi, dưa hấu đạt năng suất cao, bên cạnh đó giá bán ra thị trường khá cao từ 7.000-8.000 đồng/kg, tính bình quân người nông dân trồng dưa hấu thu lãi từ 200 – 250 triệu đồng/ha.

Niên vụ mía 2013 - 2014, tại Khánh Hòa đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch rộ. Song người trồng mía năm nay thấy "đắng" vì các chi phí đầu tư tăng cao, trong khi năng suất, giá mía thu mua lại thấp nên không có lãi mấy.