Nghề Làm Vàng Trắng

Nghề làm “vàng trắng” là cách gọi vui của nhiều người dân chuyên làm tiêu sọ trong tỉnh. Nghề này giúp nhiều người trở nên khá giả, song cũng khiến không ít hộ trắng tay. Thực tế, muốn làm được mẻ tiêu sọ (tiêu trắng) tương đối vất vả.
Trên địa bàn tỉnh có trên 100 cơ sở làm tiêu sọ, nhưng tập trung nhiều ở 2 huyện Trảng Bom và Xuân Lộc. Trong đó, chỉ có gần 20 cơ sở sản xuất lớn với số lượng trên 100 tấn/năm.
* Tìm cách giữ nghề
Trước đây, nghề làm tiêu sọ hầu như phải thực hiện bằng tay và quy trình để hoàn tất được một mẻ tiêu sọ là khoảng 20 ngày. Giá tiêu cao nhưng tăng, giảm thất thường nên chỉ những chủ cơ sở dám “liều” mới đủ can đảm sản xuất với số lượng lớn. Vì chỉ cần giá giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg so với khi nhập hàng về sản xuất là chủ cơ sở nắm chắc thua lỗ.
Ông Bùi Văn Kiểm, chủ cơ sở sản xuất tiêu sọ ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), kể: “Tôi mở cơ sở sản xuất tiêu sọ gần 20 năm. Nghề này rủi ro rất cao, cùng thời với tôi, nhiều cơ sở đã đóng cửa và đổ nợ.
Tôi còn duy trì và phát triển được là vì kiên trì giữ nghề”. Ông Kiểm nhớ lại, 5 năm trước, chỉ trong vài ngày giá tiêu đang từ 70 ngàn đồng rớt xuống còn 40 ngàn đồng/kg khiến những cơ sở mua hàng dự trữ với số lượng lớn để làm tiêu sọ rơi vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất.
Thời điểm ấy, ông cũng thua lỗ tiền tỷ và ôm nợ lớn, song vẫn quyết giữ nghề. Khoảng 3 năm lại đây giá tiêu từ từ tăng trở lại, ông thu hồi vốn và có lời. Tất cả tiền lời ông Kiểm dồn vào đầu tư mở rộng cơ sở làm tiêu sọ. Hiện trung bình mỗi tháng cơ sở ông cung cấp cho thị trường gần 100 tấn tiêu sọ.
Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, cho hay: “Hiện xã chỉ còn 4 cơ sở sản xuất tiêu sọ. Nghề này rất cực nhọc và rủi ro cao nên chủ cơ sở nào kiên trì thì mới duy trì nổi”.
* Giảm bớt sức người
Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Toàn xã có 7 hộ sản xuất tiêu sọ lớn, còn lại gần 100 hộ chỉ sản xuất nhỏ lẻ theo mùa. Trước đây, tiêu sọ hầu hết được làm thủ công nên mỗi cơ sở chỉ sản xuất được vài tấn/tháng.
Hơn 2 năm nay, các cơ sở tự nghiên cứu tìm được các loại máy móc, giảm bớt được công lao động và năng suất tăng gấp nhiều lần”. Hai công đoạn vất vả nhất trong sản xuất tiêu sọ là phân loại hạt và chà vỏ thì nay đều đã có máy móc hỗ trợ. Nhờ vậy, các cơ sở giảm được 2/3 số công lao động mà năng suất vẫn tăng gấp 4-5 lần.
Theo các cơ sở sản xuất tiêu sọ, khi mua tiêu đen đã phơi khô về, các cơ sở phải sàng lọc lại chỉ chọn các hạt tròn mẩy, rồi cho vào bể ngâm từ 12-15 ngày, sau đó đưa ra chà sạch vỏ và đem phơi.
Tiêu đen mua về chỉ chọn được khoảng 60-70% để làm tiêu sọ và cứ 1 tấn tiêu đen đã được chọn lựa thì được gần 800 kg tiêu sọ, giá tiêu sọ các đại lý bán cho các công ty là 245-250 ngàn đồng/kg. Tiêu sọ hầu hết được các công ty mua xử lý lại cho trắng hơn rồi xuất khẩu.
“Các công đoạn trong làm tiêu trắng đã dùng máy móc đến 60%, chỉ còn lại công đoạn đem phơi hầu hết vẫn phải làm thủ công.
Cơ sở của tôi cũng như nhiều điểm sản xuất tiêu sọ khác trong tỉnh lo nhất vẫn là đầu ra chứ không phải quy trình làm” - chị Nguyễn Thị Thanh Uyên, chủ cơ sở tiêu sọ ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói. Theo chị Uyên, làm tiêu sọ ngốn khá nhiều vốn, với quy mô 15 tấn tiêu sọ/tháng, vốn để mua hàng của chị lên đến 4 tỷ đồng.
Tiêu sọ phần lớn đưa đi Bình Dương bán trực tiếp cho các công ty. Hiện giá hạt tiêu trắng đang ở mức cao nên các công ty xuất khẩu tiêu sọ ngại rủi ro, chỉ nhận hàng khi đã ký được hợp đồng. Vì thế, các cơ sở sản xuất lớn rất lo lắng vì chỉ sợ hàng sản xuất ra chưa bán được, giá đột ngột giảm thì sẽ lãnh đủ.
Ông Trần Đình Thường, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), người nhiều năm sản xuất tiêu sọ, thừa nhận: “Muốn làm được tiêu sọ với số lượng lớn, ngoài nắm vững kỹ thuật thì phải có thêm máu liều mới dám làm, bởi nghề này rủi ro rất lớn”.
Có thể bạn quan tâm

Canh tác nương rẫy vốn là tập quán sản xuất lâu đời của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Cùng với đó là tình trạng du canh du cư, phát rừng làm rẫy một cách tự phát đã làm cho tài nguyên rừng đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tôn trọng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, Nhà nước phải tăng cường hỗ trợ… là những gì ông Nguyễn Hữu Nguyên (thường gọi ba Nghiệp), “đại gia” nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang), đúc kết được sau nhiều chuyến học tập ở nước ngoài. Theo ông, nếu không thay đổi tư duy sản xuất, cá tra Việt Nam sẽ khó tồn tại và cạnh tranh với thế giới.

Không ai biết rõ con nghêu xuất hiện ở vùng biển Gò Công từ bao giờ, chỉ biết những năm trước đây, nhiều người đã khai thác và làm giàu từ nó. Chính vì nguồn lợi quá dồi dào nên nhiều người đã ví các sân nghêu như mỏ “vàng trắng”. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại đau đáu nỗi lo mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí bạc đầu vì nó.
Được cán bộ nông nghiệp xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên giới thiệu, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên nền cát trải bạt của anh Lê Văn Nhất ở thôn Hòa Thạch.

Cứ đến tháng 5 - 6 hằng năm, người dân ở các vùng ven biển Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại được dịp hái “lộc biển” khi đua nhau khai thác rong mơ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.