Nghề Đánh Bắt Mực Không Giống Ai Của Anh Tự

Đối với bà con ngư dân, việc đánh bắt mực có nhiều cách như: câu mực, bóng mực, ốc mực… nhưng ở xã Nam Du, huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) có một thanh niên hành nghề đánh mực không giống ai, không nơi nào có, lại thu nhập khá cao. Anh tên Nguyễn Văn Tự, 29 tuổi. Phương tiện hành nghề của anh chỉ là cái bè bằng mốp xốp 0,5 x 1,5 mét, 10 mét dây cước với 10 con tôm ni-lông, 2 cái dĩa bằng nhựa cỡ 2 tấc dùng làm…mái chèo và 1 cái kết nhựa nhỏ để chứa sản phẩm. Tất cả “gia tài” chưa tới 100.000 đồng nhưng hành nghề suốt cả năm ròng không cần thay mới!
Thời gian hành nghề của anh Tự khoảng 15 - 16 giờ đến tối. Ngồi trên bè, anh móc vào chân 2 - 3 sợi dây cước có con mồi là tôm ni-lông, hai tay dùng hai cái dĩa nhựa làm mái chèo khoác nước từ từ đi tới. Khi mực dính câu, “tín hiệu” báo vào bàn chân, anh kéo nhẹ lên và nhanh nhẹn “tóm cổ” con mực bỏ vào cái kết ngay sau lưng.
Chỉ có vậy thôi, anh rà tới rà lui chỉ cách bờ khoảng 50 – 70 mét và mỗi buổi tối thu hoạch không dưới 2 ký mực. Với thời giá 120.000 đồng/ký, mỗi ngày anh Tự có thu nhập 200.000 – 300.000 đồng. Còn những đêm trăng sáng, anh làm từ đầu hôm đến khi trăng lặn được khoảng 700.000 – 800.000 đồng. Nếu ngày nào dính cá bốp, cá bè khoảng 4 - 5 ký thì thu nhập lại khác, nhưng bình quân thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng đều đặn, một khoản thu nhập khá lý tưởng đối với bà con ngư phủ hiện nay khi mà việc khai thác đánh bắt hải sản luôn bấp bênh.
Bà con ngư dân ở ấp An Phú cho biết: “Có người thấy thằng Tự làm ăn có lý bèn bắt chước làm theo nhưng thất bại, chỉ có mình nó làm có ăn bền thôi. Thấy nó ngồi vững vàng, thao tác nhanh nhẹn vậy chớ khó lắm, không phải ai cũng làm được. Chính tụi tui mà khi bước lên bè không khéo là bị lật xuống biển ngay. Vậy mà nó làm nhuần nhuyễn, thiệt là giỏi!”.
Việc làm nghề đánh bắt mực “không giống ai” lại có thu nhập cao của Tự đã làm anh nổi tiếng. Người ta còn mến Tự ở tính chịu khó làm ăn, không rượu chè, không hút thuốc, không tụ tập chơi bời. Mẹ đã mất khi Tự mới 10 tuổi.
Tất cả số tiền kiếm được mỗi ngày anh đều đưa cho cha để lo cho sinh hoạt hằng ngày và chữa trị căn bệnh tai biến của cha từ 4 - 5 năm nay. Suốt ngày anh Tự lủi thủi với công việc, bên gia đình. Siêng năng, hiền lành, chất phác, lại sở hữu cái nghề “dị” chẳng nơi nào có được làm cho mọi người càng yêu thương, quí mến anh hơn.
Có thể bạn quan tâm

Ưu tiên lựa chọn ba loại gạo đặc sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia.

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 - 40%. Không những vậy, phương pháp này đã tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 - 40%

Tổng cục Thủy sản và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ngày 22/5/2015, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng năm 2030”

Ngày 24/5, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, sau thời gian rớt giá mạnh, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn Phú Yên đã tăng trở lại.