Nghệ An nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu

Với 6.348 ha mía, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là một trong những vùng trồng trọng điểm của tỉnh, trong đó, tại Tam Hợp, mía phân bố trên 18 xóm của xã. Một điểm mới trong vụ xuân vừa qua là công tác dồn điền, đổi thửa được thực hiện tốt, từ đó đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Ở xóm Tân Tiến, sau dồn điền, đổi thửa, bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt ở khâu làm đất và thu hoạch để giảm chi phí sản xuất, đưa giá thành phẩm giảm theo. Có những vùng trồng mía năng suất đạt cao, lên tới 80 - 90 tấn/ha, thậm chí có những diện tích đạt 100 tấn/ha. Với giá mía thu mua 830.000 đồng/tấn, mỗi héc-ta đạt doanh thu từ 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ khuyến nông xã Tam Hợp cho biết: “Hiện tại, hơn 80% diện tích vùng trồng đã được bà con áp dụng máy móc vào khâu làm đất, phun thuốc để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất. Toàn xã đã có 6 máy làm đất công suất lớn với giá thành trên 270 triệu đồng/cái và 4 máy công suất nhỏ. Với số lượng trên có thể đảm bảo khâu làm đất – giai đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và quyết định đáng kể năng suất của cây mía. Ngoài ra, các gia đình ở đây đã đầu tư máy phun thuốc phục vụ quá trình chăm sóc mía. Quá trình đó, nhà máy đường phối hợp với huyện, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây mía. Trong vụ xuân vừa qua, xã có gần 50 ha mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Trước tình hình trên, bà con đã gấp rút phá bỏ diện tích bị nhiễm bệnh, xử lý đất và mua giống kháng bệnh QD93 về trồng cho vụ mới…”.
Tại huyện Tân Kỳ, để nâng cao năng suất cây mía, một số mô hình tưới nhỏ giọt cho mía được áp dụng trên 40 ha của các xã Nghĩa Dũng, Tân Long, Tân An… Qua đánh giá bước đầu sau 7 tháng thử nghiệm cho thấy mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông thường, năng suất mía chỉ đạt mức trên dưới 60 tấn/ha nhưng với phương pháp tưới này thì có thể nâng cao sản lượng mía lên 100 tấn/ha. Với diện tích 7,3 ha áp dụng phương pháp này, ông Thiều Thanh Long, ở xã Nghĩa Dũng chia sẻ: “Hệ thống tưới nước theo phương pháp này có hai phần chính là máy bơm và đường ống dẫn nước.
Máy bơm có các thiết bị điều khiển chế độ tưới, trộn phân bón và thuốc bảo vệ thực. Khi vận hành, nước và các hỗn hợp trên sẽ được dẫn theo từng ống nhánh rồi phân ra theo các ống nhỏ để tưới cho từng gốc cây. Do vậy, chúng tôi có thể kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón mà không sợ bị rửa trôi khi có mưa. Vậy nên dù trong thời tiết nắng nóng nhưng mặt đất vẫn có độ ẩm vừa phải, cây mía chắc khỏe và xanh tốt. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới này dao động từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ cần đầu tư một lần thì hệ thống có thể sử dụng tốt trong thời gian từ 5 đến 7 năm sau”.
Chia sẻ về những chính sách và phương hướng phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Nếu như trước đây việc phát triển vùng trồng diễn ra ồ ạt thì giờ đây chính sách chung là ổn định diện tích vùng trồng để từ đó tập trung nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của diện tích canh tác. Trước thực trạng giá cả thu mua thấp, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển mạnh, huyện đã phối hợp cùng Công ty mía đường Sông Con cùng tìm ra những giải pháp khắc phục.
Một trong những giải pháp đề ra đó là mạnh dạn tái cơ cấu lại vùng đất trồng mía bằng cách xóa bỏ những diện tích năng suất thấp và chuyển dần đất lúa không chủ động nước, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đầu năm nay huyện đã thử nghiệm chuyển 120 ha sản xuất lúa kém hiệu quả do không chủ động nước sang trồng mía, đã đưa năng suất mía từ 68 tấn/ha lên 110 - 120 tấn/ha, nâng thu nhập lên 90 - 95 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người trồng mía có thu nhập từ 50 - 55 triệu đồng/ha/năm. Có thể xem đây là một tín hiệu khả quan để từ đó có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.
Về phía các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng tích cực liên kết và hỗ trợ đầu tư tại các vùng mía nguyên liệu. Mới đây, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và Công ty CP mía đường Sông Con đã thông qua chính sách hỗ trợ đối với các diện tích trồng mía trong vùng quy hoạch. Cụ thể, bà con sẽ được đầu tư hỗ trợ tiền mua giống và máy móc thiết bị, đồng thời những diện tích đất chuyển đổi từ loại cây trồng khác cũng sẽ được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Bởi giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm tới 75 - 80% giá thành sản phẩm nên công ty không ngừng nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía với những giống mía đảm bảo sạch bệnh và có nguồn gen tốt, đồng thời không ngừng song hành cùng bà con hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sản lượng và chất lượng mía. Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ về phân bón, cây giống và đất chuyển đổi, công ty còn khuyến khích các hộ dân mua thêm máy làm đất. Hiện tại trên địa bàn có hơn 110 máy làm đất, tuy nhiên, chủ yếu là máy công suất nhỏ nên năng suất chưa cao. Do vậy công ty đã hỗ trợ cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 100% lãi suất trong 24 tháng để bà con đầu tư mua máy có công suất trên 100 mã lực. Công ty tin tưởng vùng nguyên liệu sẽ ngày càng phát triển tốt, sản phẩm cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.
Với những chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của các nhà máy đường đã tạo yên tâm cho người trồng mía. Tuy nhiên, bà con vẫn phân vân về giá cước vận chuyển mía cao, khiến người dân mất đi một khoản chi phí lớn. Năm vừa qua với giá thu mua là 830.000 đồng/tấn, nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 800.000 đồng/tấn. Vì vậy, hầu hết người trồng mía mong muốn các công ty, nhà máy đường quan tâm giảm giá cước vận tải để người trồng mía có thêm thu nhập để tái đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm

“Chúng tôi khẳng định các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá ba sa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây sapô lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay sapô đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây sapô. Tới đây, diện tích trồng sapô của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định.

Báo cáo kết quả sản xuất lương thực trong năm, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 1,37 triệu tấn (đạt trên 103% kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm trên 230.605 ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản lượng trên 1,35 triệu tấn; cây lương thực có hạt (chủ yếu là cây bắp) xuống giống trên 4.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 14 nghìn tấn.

Hiện nay các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện về giống, đất đai để xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015. Năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt. Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ đông xuân sắp tới, một trong những giải pháp cần tập trung là tăng cường công tác phòng, chống hạn…

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa và tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.