Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghệ An nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu

Nghệ An nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu
Ngày đăng: 11/08/2015

Với 6.348 ha mía, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được xem là một trong những vùng trồng trọng điểm của tỉnh, trong đó, tại Tam Hợp, mía phân bố trên 18 xóm của xã. Một điểm mới trong vụ xuân vừa qua là công tác dồn điền, đổi thửa được thực hiện tốt, từ đó đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Ở xóm Tân Tiến, sau dồn điền, đổi thửa, bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt ở khâu làm đất và thu hoạch để giảm chi phí sản xuất, đưa giá thành phẩm giảm theo. Có những vùng trồng mía năng suất đạt cao, lên tới 80 - 90 tấn/ha, thậm chí có những diện tích đạt 100 tấn/ha. Với giá mía thu mua 830.000 đồng/tấn, mỗi héc-ta đạt doanh thu từ 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Tâm, cán bộ khuyến nông xã Tam Hợp cho biết: “Hiện tại, hơn 80% diện tích vùng trồng đã được bà con áp dụng máy móc vào khâu làm đất, phun thuốc để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất. Toàn xã đã có 6 máy làm đất công suất lớn với giá thành trên 270 triệu đồng/cái và 4 máy công suất nhỏ. Với số lượng trên có thể đảm bảo khâu làm đất – giai đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và quyết định đáng kể năng suất của cây mía. Ngoài ra, các gia đình ở đây đã đầu tư máy phun thuốc phục vụ quá trình chăm sóc mía. Quá trình đó, nhà máy đường phối hợp với huyện, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cây mía. Trong vụ xuân vừa qua, xã có gần 50 ha mía bị nhiễm bệnh chồi cỏ. Trước tình hình trên, bà con đã gấp rút phá bỏ diện tích bị nhiễm bệnh, xử lý đất và mua giống kháng bệnh QD93 về trồng cho vụ mới…”.

Tại huyện Tân Kỳ, để nâng cao năng suất cây mía, một số mô hình tưới nhỏ giọt cho mía được áp dụng trên 40 ha của các xã Nghĩa Dũng, Tân Long, Tân An… Qua đánh giá bước đầu sau 7 tháng thử nghiệm cho thấy mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông thường, năng suất mía chỉ đạt mức trên dưới 60 tấn/ha nhưng với phương pháp tưới này thì có thể nâng cao sản lượng mía lên 100 tấn/ha. Với diện tích 7,3 ha áp dụng phương pháp này, ông Thiều Thanh Long, ở xã Nghĩa Dũng chia sẻ: “Hệ thống tưới nước theo phương pháp này có hai phần chính là máy bơm và đường ống dẫn nước.

Máy bơm có các thiết bị điều khiển chế độ tưới, trộn phân bón và thuốc bảo vệ thực. Khi vận hành, nước và các hỗn hợp trên sẽ được dẫn theo từng ống nhánh rồi phân ra theo các ống nhỏ để tưới cho từng gốc cây. Do vậy, chúng tôi có thể kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón mà không sợ bị rửa trôi khi có mưa. Vậy nên dù trong thời tiết nắng nóng nhưng mặt đất vẫn có độ ẩm vừa phải, cây mía chắc khỏe và xanh tốt. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống tưới này dao động từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chỉ cần đầu tư một lần thì hệ thống có thể sử dụng tốt trong thời gian từ 5 đến 7 năm sau”.

Chia sẻ về những chính sách và phương hướng phát triển vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: “Nếu như trước đây việc phát triển vùng trồng diễn ra ồ ạt thì giờ đây chính sách chung là ổn định diện tích vùng trồng để từ đó tập trung nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của diện tích canh tác. Trước thực trạng giá cả thu mua thấp, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển mạnh, huyện đã phối hợp cùng Công ty mía đường Sông Con cùng tìm ra những giải pháp khắc phục.

Một trong những giải pháp đề ra đó là mạnh dạn tái cơ cấu lại vùng đất trồng mía bằng cách xóa bỏ những diện tích năng suất thấp và chuyển dần đất lúa không chủ động nước, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đầu năm nay huyện đã thử nghiệm chuyển 120 ha sản xuất lúa kém hiệu quả do không chủ động nước sang trồng mía, đã đưa năng suất mía từ 68 tấn/ha lên 110 - 120 tấn/ha, nâng thu nhập lên 90 - 95 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người trồng mía có thu nhập từ 50 - 55 triệu đồng/ha/năm. Có thể xem đây là một tín hiệu khả quan để từ đó có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Về phía các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng tích cực liên kết và hỗ trợ đầu tư tại các vùng mía nguyên liệu. Mới đây, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và Công ty CP mía đường Sông Con đã thông qua chính sách hỗ trợ đối với các diện tích trồng mía trong vùng quy hoạch. Cụ thể, bà con sẽ được đầu tư hỗ trợ tiền mua giống và máy móc thiết bị, đồng thời những diện tích đất chuyển đổi từ loại cây trồng khác cũng sẽ được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Sỹ Hải, Trưởng ban phát triển vùng nguyên liệu Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Bởi giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm tới 75 - 80% giá thành sản phẩm nên công ty không ngừng nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu mía với những giống mía đảm bảo sạch bệnh và có nguồn gen tốt, đồng thời không ngừng song hành cùng bà con hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sản lượng và chất lượng mía. Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm nay, ngoài các chính sách hỗ trợ về phân bón, cây giống và đất chuyển đổi, công ty còn khuyến khích các hộ dân mua thêm máy làm đất. Hiện tại trên địa bàn có hơn 110 máy làm đất, tuy nhiên, chủ yếu là máy công suất nhỏ nên năng suất chưa cao. Do vậy công ty đã hỗ trợ cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, hỗ trợ 100% lãi suất trong 24 tháng để bà con đầu tư mua máy có công suất trên 100 mã lực. Công ty tin tưởng vùng nguyên liệu sẽ ngày càng phát triển tốt, sản phẩm cạnh tranh được với các nước trong khu vực”.

Với những chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của các nhà máy đường đã tạo yên tâm cho người trồng mía. Tuy nhiên, bà con vẫn phân vân về giá cước vận chuyển mía cao, khiến người dân mất đi một khoản chi phí lớn. Năm vừa qua với giá thu mua là 830.000 đồng/tấn, nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 800.000 đồng/tấn. Vì vậy, hầu hết người trồng mía mong muốn các công ty, nhà máy đường quan tâm giảm giá cước vận tải để người trồng mía có thêm thu nhập để tái đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tốt hơn.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản Quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản

Kể từ ngày 06/8/2015, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trên lãnh thổ Việt Nam cần áp dụng các quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22/6/2015 của Bộ NN và PTNT về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

15/07/2015
Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng) Triển vọng trang trại nuôi dê Thái ở Di Linh (Lâm Đồng)

Thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông hộ trên địa bàn xã Gia Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi tằm, nuôi bò, nuôi heo kết hợp với trồng trọt… và mới đây, xuất hiện thêm trang trại nuôi dê. Đây là mô hình chăn nuôi hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng.

15/07/2015
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, hưởng ứng phong trào “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCSHCM, nhiều thanh niên đã hăng hái xung phong vào mảnh đất đầy khó khăn thuộc các xã biên giới Quảng Trực, Quảng Tân, huyện Tuy Đức hiện nay để khai khẩn vùng đất mới. Từ đó, nhiều TNXP đã quyết định gắn bó lâu dài với vùng đất Đắk Nông.

15/07/2015
Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó Xuất khẩu nông, thủy sản tiếp tục gặp khó

6 tháng đầu năm 2015, dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngành Công thương tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao. Tình hình xuất khẩu dù có nhiều sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn đang đối diện với tình hình xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm. Đây là nhận định của Sở Công thương tại Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng đầu năm và đề ra giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 được tổ chức vào ngày 13-7.

15/07/2015
Anh Nguyễn Thành Tân giàu lên nhờ nuôi cá tai tượng Anh Nguyễn Thành Tân giàu lên nhờ nuôi cá tai tượng

Anh Nguyễn Thành Tân (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) là một trong những người gặt hái thành công từ nghề ương, nuôi cá giống, cá tai tượng thịt. Anh Tân cho biết, gắn bó với nghề này đã hơn 15 năm nay, kinh tế gia đình anh ngày một khấm khá hơn.

15/07/2015