Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngày hội xuống đồng

Ngày hội xuống đồng
Ngày đăng: 23/09/2015

* Yên Bái cầm chắc 350 tỷ vụ đông

Như ngày hội, không chỉ người dân mà cả bí thư, chủ tịch tỉnh đều xắn quần xuống ruộng…

Cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn là nơi phát động ra quân SX vụ đông. Sau những ngày mưa sụt sùi, trời hôm nay nắng bừng lên, con đường chạy dọc qua cánh đồng Mường Lò cờ bay rợp trời, người dân các xã Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Hạnh Sơn, Phúc Sơn… đổ về Bản Lọng, xã Phù Nham. Hôm nay là ngày chủ nhật, không chỉ người lớn mà còn có rất nhiều trẻ em và người già cũng đến tham dự.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà cùng lãnh đạo các sở, huyện, thị xã và thành phố cũng có mặt, điều đó khẳng định tỉnh Yên Bái rất coi trọng SX vụ đông.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch tỉnh Yên Bái (trái) đặt bầu ngô vào các hốc đất

Vụ này Yên Bái dự kiến gieo trồng 10.000 ha, bao gồm 6.000 ha ngô, trong đó ngô trên đất 2 lúa là 3.950 ha, đất soi bãi 2.050 ha, năng suất dự kiến 31 tạ/ha, sản lượng 18.600 tấn; khoai lang 1.300 ha, năng suất dự kiến 50 tạ/ha, sản lượng 6.500 tấn; rau đậu các loại 2.700 ha, năng suất dự kiến 120 tạ/ha. Giá trị thu nhập bình quân 35 triệu đ/ha, với 10.000 ha cây trồng vụ đông năm nay, Yên Bái cầm chắc 350 tỷ đồng.

Người dân các xã tham gia ngày hội xuống đồng làm vụ đông

Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Kế hoạch tỉnh giao cho Trấn Yên gieo cấy 1.120 ha cây vụ đông, chúng tôi phấn đấu vượt 100 ha. Hiện đã giao kế hoạch cho các xã. Vụ đông năm nay xã nào cũng đăng ký vượt chỉ tiêu…".

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái:

"Yên Bái có 80% dân số sống bằng nghề nông, trong khi đó hiệu quả SX nông nghiệp trên một đơn vị diện tích hiện chưa cao.

Đưa cây vụ đông trên đất hai lúa phải là vụ SX chính, đây là mắt xích quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy tăng trưởng giá trị nông nghiệp theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…".

Huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ là hai địa phương làm vụ đông sớm nhất tỉnh. Từ 5/9 nhiều hộ đã xuống bầu ngô ở các chân ruộng hai vụ. Tới ngày 20/9 hơn 500 ha cây vụ đông của TX Nghĩa Lộ đã cơ bản xuống giống.

Ông Chu Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Nghĩa Lộ cho hay: "SX vụ đông đã trở thành truyền thống của người dân ở đây, chúng tôi có ngăn họ cũng không được.

Bởi cây vụ đông đã trở thành cây trồng truyền thống của người dân chúng tôi rồi. Không một thửa ruộng nào có thể trồng cây vụ đông mà bỏ hoang. Cây ngô vụ đông cho người dân nhiều thứ: Hạt phục vụ chăn nuôi, lá cho trâu bò ăn hoặc ném xuống ao nuôi cá, thân và lõi ngô làm củi đun…".

Ông Đinh Văn Tỉa ở bản Lọng, xã Phù Nham cho biết: "Gia đình tôi trồng hơn 1.000 m2 ngô đông, mỗi năm thu hơn 3 tạ. Ruộng ở đây xa nhà quá và hơi trũng, nếu ở gần thì gia đình tôi sẽ trồng cà chua hoặc rau màu. Những gia đình trồng cà chua thu nhập gấp 4 - 5 lần trồng ngô. Nhìn thấy họ trồng cà chua mà mình thèm bác ạ…".

Để khuyến khích người dân SX vụ đông, tỉnh Yên Bái đã trích ngân sách địa phương hỗ trợ 30% giá ngô lai trên đất hai vụ lúa. Tổng kinh phí hỗ trợ 1,79 tỷ đồng.

Các giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao được hỗ trợ như NK4300, DK6919, B06, AG59, BioSeed9698, LVN885, LVN25, LVN99, SB099, NK66, NK67…

Sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh, huyện và xã đều xắn quần lội ruộng cùng người dân trồng ngô trên đất hai lúa. Không khí ngày hội xuống đồng trên cánh đồng Mường Lò thật sôi động và náo nhiệt.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở Dương Huy (Quảng Ninh) Mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở Dương Huy (Quảng Ninh)

Trước khi giới thiệu chúng tôi xuống thăm mô hình nuôi cá rô đầu vuông thí điểm của anh Liêu Văn Hoàng ở thôn Tha Cát, đồng chí Điệp Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Huy (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Vốn xuất phát điểm là xã nghèo, nhưng những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của cấp trên cùng với sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, đời sống mọi mặt của xã đã có những chuyển biến tích cực.

27/05/2015
Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính Đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Công ty cổ phần thủy sản Việt Úc (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Tiền Giang và các sở, ban, ngành tỉnh đề nghị xem xét, cho phép thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

27/05/2015
Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn Và chuyển động của ngành kinh tế mũi nhọn

Ông Nguyễn Văn Thuỷ, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết: Hai năm gần đây, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện đã tăng đáng kể. Đặc biệt, vừa qua huyện đã hoàn thành việc quy hoạch 2 vùng nuôi tôm tập trung gồm: Vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Bình, diện tích 20ha và vùng nuôi tôm công nghiệp xã Tân Lập, diện tích 20ha.

27/05/2015
Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở Huyện Tuy An (Phú Yên) không kiểm soát được dịch bệnh khi nuôi tôm hồ hở

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (Phú Yên), mỗi năm huyện Tuy An thả nuôi từ 600 đến 620ha tôm các loại. Trong số này có khoảng 3/4 diện tích nuôi tôm bằng hình thức hồ hở. Do khâu xử lý nguồn nước trong hồ nuôi khi tôm nuôi bị mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn và không thể kiểm soát được nguồn nước bẩn, ô nhiễm, nên mầm bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác diễn ra khá nhanh và lây lan trên diện rộng.

27/05/2015
Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La Làm giàu nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La

Nghề nuôi cá lồng là nghề chính của nhiều hộ dân và đem lại thu nhập ổn định từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

27/05/2015