Ngành Thủy Sản Triển Khai Nhiều Biện Pháp An Toàn Trong Mùa Mưa Bão

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (KT-BVNLTS) đã triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển trong mùa mưa bão. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục KT-BVNLTS.
Khi có thông tin về bão, chủ tàu, ghe tập trung về khu neo đậu tránh trú bão an toàn.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT, trước mùa mưa bão, các thành viên trong Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Chi cục KT-BVNLTS tiến hành kiểm tra các vật dụng cần thiết như: Phao cứu sinh, lều bạt, kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc; phối hợp với Phòng Nông nghiệp các địa phương nắm chắc số lượng tàu cá, số lao động đi trên tàu.
Đồng thời chủ động triển khai các phương án để bảo đảm an toàn về người và tàu cá hoạt động trên biển, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Chi cục KT-BVNLTS cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến bà con ngư dân thực hiện đúng các quy định bắt buộc của Nhà nước về công tác an toàn cho người và tàu cá; Thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản, giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển...
Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới, Chi cục KT-BVNLTS tổ chức trực ban 24/24h, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp triển khai phương án phòng tránh bão một cách hiệu quả nhất.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 6-2014, Chi cục KT-BVNLTS đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở 11 lớp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân cách sơ cứu trên biển; thông báo số điện thoại, tần số liên lạc của các đài thông tin duyên hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải để thuyền trưởng, chủ tàu biết liên lạc khi tàu cá gặp tai nạn trên biển.
“Hiện tại, ngư dân chúng tôi không chỉ được trang bị những kiến thức về Luật biển Việt Nam, vùng giáp ranh lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế… mà còn được tập huấn nhiều kiến thức nhằm bảo đảm an toàn trên biển, nhất là mùa mưa bão”- ông Nguyễn Văn Tài, một chủ ghe đánh bắt xa bờ tại thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) cho biết.
Ông Bùi Trọng Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân phường 2 (TP. Vũng Tàu) cho biết, cùng với công tác tuyên truyền về Luật biển việt Nam, phường 2 đã thành lập 6 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển với hàng trăm thành viên.
Các tổ đánh bắt trên biển hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển được UBND tỉnh ban hành theo quyết định 47/2010/QĐ-UBND. Khi có thiên tai, những tổ đánh bắt này sẽ hỗ trợ nhau để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Bên cạnh việc triển khai nhiều các hoạt động nhằm bảo toàn về người và phương tiện sản xuất của ngư dân khi vươn khơi bám biển, ngành nông nghiệp cũng đưa ra khuyến cáo: Chủ tàu cá, thuyền trưởng và các thuyền viên cần chấp hành tốt các quy định; trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu nạn, thông tin, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá;
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển; Chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, thông báo về vị trí tàu và chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão, nhất là các tàu cá hoạt động trong vùng nguy hiểm, tuyệt đối không cho tàu cá ra biển khi đang có tin bão và áp thấp nhiệt đới.
Có thể bạn quan tâm

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời ý kiến đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp liên quan đến Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Nhờ áp dụng hiệu quả mô hình "1 phải, 5 giảm", năng suất lúa bình quân đạt 7 tấn/ ha, cá biệt có những hộ đạt tới 9 tấn/ ha. Hiện nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam đang thu mua lúa giống với giá 5.850 đồng/ kg, cao hơn giá thị trường 650 đồng/ kg.

Tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có hơn 600 hécta tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm phần lớn ở giai đoạn kinh doanh. Nguyên nhân dẫn đến loại dịch bệnh trên là do đang trong mùa mưa, nhiều nhà vườn không chú ý để nước mưa đọng lâu trong vườn khiến nấm bệnh lây lan nhanh.

Hằng năm, trại giống luôn tổ chức khảo nghiệm và chọn ra những giống lúa tốt, giống mới, có triển vọng để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa sản xuất của tỉnh Cà Mau, đồng thời phục tráng những giống lúa đã bị thoái hoá nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân trong tỉnh.

Thanh long là loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đứng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Tiền Giang. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 181 triệu USD, tăng 175 triệu USD so với năm 2003. Tuy vậy, nông dân trồng thanh long không hẳn “dễ thở” hơn trồng các loại cây khác mà vẫn thường xuyên gặp khó khăn vì giá bán không ổn định “lúc lên, lúc xuống”.