Ngành Thủy Sản ASEAN Sẽ Xây Dựng Tiêu Chuẩn Chung Trong Nuôi Thủy Sản

Hơn 65 đại diện của ngành thủy sản Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tập trung thảo luận việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho tôm nuôi và nghị định thư Dự án Phát triển thủy sản bền vững (FIP) vào cuối tháng 12/2013 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Đại diện là các nhà sản xuất tôm, ngư dân, nhà chế biến, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chứng nhận và viện nghiên cứu từ Inđônêxia, Philipin, Thái Lan, Việt Nam... đã tham dự các cuộc họp song phương do Dự án Tối đa hóa Lợi nhuận trong Nông nghiệp bằng Tri thức, Phát triển DN và Thương mại (MARKET USASEAN) của USAID tài trợ.
Hiện nay, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thủy sản đạt đủ các tiêu chuẩn và chương trình chứng nhận tự nguyện của các tổchức phi chính phủ như ASC, GAA hay MSC. Trong khi đó, vẫn có khoảng cách đáng kể giữa những thực tế mà các nhà sản xuất thủy sản ASEAN phải đối mặt và các mục tiêu phát triển bền vững của các tổ chức NGO và khách hàng tại thị trường xuất khẩu.
Để thu hẹp khoảng cách này, tại cuộc hội thảo về nhóm đặc trách công – tư ASEAN về khai thác và NTTS bền vững, các thành viên của ngành thủy sản ASEAN đã nhất trí cần xác định và quản lý các tiêu chuẩn nuôi tôm trong khu vực và nghị định thư FIP .
Ông Corey Peet, chuyên gia nuôi và khai thác thủy sản bền vững của dự án đã nêu bật cơ hội, cách tiếp cận nhằm xây dựng các tiêu chuẩn chung và các nghị định thư chung, phản ánh hiện thực sản xuất trong khu vực và giải quyết các yêu cầu về môi trường và xã hội.
Tại cuộc họp tháng 12/2013, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản các nước thành viên ASEAN đã đồng ý tiến tới việc xây dựng các tiêu chuẩn chung cho tôm ASEAN và nghị định thư FIP thông qua quy trình đa phương, tổng hợp và minh bạch dựa trên Quy tắc Thực hành tốt các tiêu chuẩn bền vững của Liên minh của ISEAL (http://www.isealalliance.org) và tiêu chí đánh giá tính bền vững của Monterey Bay Aquarium (http://www.seafoodwatch.org).
Dự án MARKET USASEAN cam kết là cơ quan trung lập và hỗ trợ ngành thủy sản thành lập các nhóm công tác trong khu vực nhằm phát triển các tiêu chuẩn nuôi tôm và nghị định thư FIP ASEAN đến tháng 3/2015.
Trong giai đoạn tiếp theo, các cuộc họp công khai sẽ được tổ chức ở nhiều nước ASEAN từ tháng 2-5/2014. Thời gian và địa điểm dự kiến của các cuộc họp công khai đầu tiên như sau:
• Ngày 19-21/2/2014, Nghị định thư ASEAN FIP và tiêu chuẩn tôm, thành phố General Santos, Philipin.
• Ngày 24- 25/ 2/2014, Nghị định thư FIP ASEAN , Nha Trang, Việt Nam,
• Ngày 27- 28/ 2/2014: Tiêu chuẩn tôm ASEAN, Cần Thơ, Việt Nam
• Ngày 11-12/4/ 2014: Hội nghị tiêu chuẩn tôm ASEAN, Surabaya, Inđônêxia
Các cuộc họp công khai bổ sung dự kiến tổ chức tại Inđônêxia và Thái Lan, và các nước ASEAN có tiềm năng khác trong tháng tới, khuyến khích các bên liên quan tham dự. Để biết thêm thông tin về các cuộc họp công khai xin vui lòng liên hệ:
Bà Zhen Yi Ng, Chuyên gia Chương trình của Dự án Market: z-ng@nathaninc.org
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Phó chủ tịch VASEP: dungnh@vasep.com.vn
Khi hoàn thành các cuộc họp công khai, các nhóm công tác trong khu vực sẽ xây dựng một dự thảo mới về tiêu chuẩn chung.
Nghị định thư sẽ được phát hành để lấy ý kiến công 60 ngày.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh và nhiều nông dân thả nuôi liên tục nhiều vụ trong năm. Nguyên nhân là do người nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, trúng giá với lợi nhuận mỗi vụ tới 500-700 triệu đồng/ha.

Khóm Cầu Đúc từng nổi danh một thời, giúp nhiều hộ nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) ăn nên làm ra, tuy nhiên những năm gần đây do giá khóm không ổn định, đất bạc màu cộng với bệnh chết bụi khá phổ biến, làm cho người trồng khóm ở Hỏa Tiến gặp không ít khó khăn.

Do đặc điểm địa hình, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều vùng trũng, chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng.

Những năm gần đây, số lượng chim yến đến với Thanh Hóa ngày càng tăng, đã góp phần tạo ra một nghề mới - nghề nuôi chim yến lấy tổ của người dân ở những vùng ven biển của tỉnh.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mãng cầu xiêm đã "bén duyên" và ngày càng phát triển mạnh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Chính loại cây này góp phần lớn mang lại ấm no trên vùng đất cù lao đầy phèn - mặn này.