Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình

Năm 2014 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
Thiếu bền vững
Có thể nói năm 2013 là một năm đầy khó khăn đối với ngành chăn nuôi bởi giá bán sản phẩm xuống thấp trong một thời gian dài, thậm chí có thời điểm còn xuống dưới mức giá thành sản xuất. Đơn cử như thời điểm tháng 6/2013, giá gà công nghiệp chỉ ở mức 18.000 đồng/kg ở miền Nam và 26.000 đồng/kg ở miền Bắc khiến cho nhiều nông dân, chủ trang trại bị thua lỗ. Mọi hy vọng của người chăn nuôi đổ dồn vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Tuy nhiên, mức giá xuất chuồng lợn, gà cũng chỉ nhích lên không đáng kể. Trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc dao động từ 52.000 - 58.000 đồng/kg, giá gà ta thả vườn là 85.000 - 90.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp chỉ ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng. Bên cạnh đó chi phí thú y của chăn nuôi nước ta còn cao, hiện chiếm khoảng 5 - 10% chi phí sản xuất. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại ba yếu điểm cần khắc phục. Thứ nhất là phát triển không bền vững về năng suất, giá cả. Thứ hai, chất lượng một số giống vật nuôi thấp. Đơn cử, chỉ tiêu sinh sản của lợn giống nước ngoài là khoảng 25 - 26 con/lứa nhưng ở Việt Nam mới chỉ đạt 17 - 20 con/lứa.
Thứ ba, hình thức tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. "Muốn tồn tại và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi trong nước buộc phải thay đổi" - TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến vào đầu năm 2014 và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015. Khi đó thuế suất nhập khẩu sản phẩm thịt sẽ về mức 0%.
Trước bối cảnh này, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên vấn đề nâng cao chất lượng con giống và xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành.
Dự kiến trong năm 2014, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt. Qua đó, từng bước giúp sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn.
Bên cạnh đó, cơ cấu giống vật nuôi cũng cần được chuyển dịch theo hướng tập trung vào nhóm sản phẩm ít bị cạnh tranh như gà lông màu thay cho gà lông trắng… Đặc biệt, xây dựng liên kết theo chuỗi để giảm thuế và chi phí chăn nuôi cho người nông dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng lưu ý, nếu không có sự chuẩn bị quyết liệt, có thể ngành chăn nuôi sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, ông Tám yêu cầu trong năm 2014, Cục Chăn nuôi phải sớm hoàn thành, trình Bộ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, tổ chức tốt sản xuất, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý ổn định cho sản xuất khi hội nhập. Bên cạnh đó tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2015, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ chuyển đổi 112.000 ha trồng lúa sang các loại cây trồng khác và đến năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 204.000 ha.

Là loại cây trồng mới nhưng những năm qua, diện tích táo xanh của Ninh Thuận tăng rất mạnh, đến nay đạt gần 1.200 ha, nguyên nhân là cây táo dễ làm, chi phí thấp hơn trồng nho, mặt khác táo xanh mỗi năm cho thu hoạch 2- 3 đợt, năng suất từ 3 – 5 tấn/ha/vụ nên nhiều diện tích trồng nho trước đây đã được người dân chuyển sang trồng táo.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay năm ngoái Việt Nam đã nhập 66.951 con bò Úc, đầu năm hiệp hội ước tính cả năm 2014 sẽ nhập khoảng 120.000 con, nhưng theo tình hình hiện nay thì số bò Úc sẽ nhập khẩu năm nay sẽ lên tới 150.000 con.

Thời gian gần đây, tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Ocean Mark, Lotte Mark, thậm chí là sạp hàng, chợ truyền thống tại Hà Nội xuất hiện khá nhiều mặt hàng trái cây cao cấp từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand với giá bán rẻ hơn cả hoa quả Trung Quốc khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ.

Từ tháng thứ tư trở đi, người nuôi mới thả một lượng rất nhỏ thức ăn tươi để tôm nhanh cứng cáp, sau đó bổ sung thêm thức ăn công nghiệp; đặc biệt trong quá trình cho tôm ăn thức ăn tươi, người nuôi không bỏ thức ăn xuống lồng như cách nuôi truyền thống, mà cho vào túi lưới, bố trí đều trong các ô.