Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình

Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình
Ngày đăng: 11/02/2014

Năm 2014 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

Thiếu bền vững

Có thể nói năm 2013 là một năm đầy khó khăn đối với ngành chăn nuôi bởi giá bán sản phẩm xuống thấp trong một thời gian dài, thậm chí có thời điểm còn xuống dưới mức giá thành sản xuất. Đơn cử như thời điểm tháng 6/2013, giá gà công nghiệp chỉ ở mức 18.000 đồng/kg ở miền Nam và 26.000 đồng/kg ở miền Bắc khiến cho nhiều nông dân, chủ trang trại bị thua lỗ. Mọi hy vọng của người chăn nuôi đổ dồn vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Tuy nhiên, mức giá xuất chuồng lợn, gà cũng chỉ nhích lên không đáng kể. Trong đó, giá lợn hơi ở miền Bắc dao động từ 52.000 - 58.000 đồng/kg, giá gà ta thả vườn là 85.000 - 90.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp chỉ ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lại ngày càng tăng. Bên cạnh đó chi phí thú y của chăn nuôi nước ta còn cao, hiện chiếm khoảng 5 - 10% chi phí sản xuất. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động.

Theo TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại ba yếu điểm cần khắc phục. Thứ nhất là phát triển không bền vững về năng suất, giá cả. Thứ hai, chất lượng một số giống vật nuôi thấp. Đơn cử, chỉ tiêu sinh sản của lợn giống nước ngoài là khoảng 25 - 26 con/lứa nhưng ở Việt Nam mới chỉ đạt 17 - 20 con/lứa.

Thứ ba, hình thức tổ chức sản xuất của ngành chăn nuôi còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. "Muốn tồn tại và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi trong nước buộc phải thay đổi" - TS Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến vào đầu năm 2014 và Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) vào năm 2015. Khi đó thuế suất nhập khẩu sản phẩm thịt sẽ về mức 0%.

Trước bối cảnh này, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên vấn đề nâng cao chất lượng con giống và xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành.

Dự kiến trong năm 2014, Cục Chăn nuôi sẽ triển khai những biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt. Qua đó, từng bước giúp sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn.

Bên cạnh đó, cơ cấu giống vật nuôi cũng cần được chuyển dịch theo hướng tập trung vào nhóm sản phẩm ít bị cạnh tranh như gà lông màu thay cho gà lông trắng… Đặc biệt, xây dựng liên kết theo chuỗi để giảm thuế và chi phí chăn nuôi cho người nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng lưu ý, nếu không có sự chuẩn bị quyết liệt, có thể ngành chăn nuôi sẽ bị thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, ông Tám yêu cầu trong năm 2014, Cục Chăn nuôi phải sớm hoàn thành, trình Bộ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Đồng thời, tổ chức tốt sản xuất, hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý ổn định cho sản xuất khi hội nhập. Bên cạnh đó tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Giá Cá Ngừ Giảm Mạnh Giá Cá Ngừ Giảm Mạnh

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản ngư dân Bình Định khai thác được trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt gần 5.000 tấn, tăng 6,6%. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng ngư dân không vui vì chi phí đầu vào đang ở mức cao, trong khi giá sản phẩm giảm mạnh.

08/07/2014
Giá Nấm Giảm Mạnh Giá Nấm Giảm Mạnh

Hiện giá nấm sò đang được các thương lái mua với giá 7 ngàn đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ), giá nấm mèo dao động từ 50-55 ngàn đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg). Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu là Trung Quốc giảm nhập hàng. Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, người trồng nấm lỗ hoặc chỉ huề vốn.

16/06/2014
Khánh Hòa Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Khánh Hòa Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng, Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao các sở ngành, địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

08/07/2014
Nam Định Tập Trung Chăm Sóc Và Phòng Bệnh Cho Thủy Sản Trong Mùa Nóng Nam Định Tập Trung Chăm Sóc Và Phòng Bệnh Cho Thủy Sản Trong Mùa Nóng

Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.567ha các loại; trong đó nuôi nước ngọt 9.408ha tập trung vào các loại cá truyền thống và 6.159ha nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp...

17/06/2014
Thu Tiền Tỷ Từ Mô Hình Nuôi Vịt Khép Kín Thu Tiền Tỷ Từ Mô Hình Nuôi Vịt Khép Kín

Lên vùng rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) lập trang trại, không biết bao lần ông Lê Đình Cầu khi thử nghiệm các mô hình kinh tế mới. Sau nhiều năm, cuối cùng ông cũng thành công với mô hình nuôi vịt khép kín, với thu nhập mỗi năm lên đến 6 tỷ đồng, trong đó lãi gần 1,5 tỷ đồng.

08/07/2014