Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngành chăn nuôi phải xóa bàn làm lại

Ngành chăn nuôi phải xóa bàn làm lại
Ngày đăng: 09/11/2015

Ngành chăn nuôi bò VN sẽ gặp khó khăn do phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước thành viên có tên tuổi trong ngành chăn nuôi thế giới. Trong ảnh: thịt bò ngoại được bày bán tại một siêu thị ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận khi tham gia TPP, ngành nông nghiệp VN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ngành chăn nuôi VN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm...

Thủy sản hưởng lợi, chăn nuôi gặp khó

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), đơn vị được giao đàm phán lĩnh vực nông nghiệp - cho biết theo cam kết, ngay sau khi TPP có hiệu lực, với mặt hàng thịt heo, hiện đang có mức thuế 10 - 15%, sẽ được VN đưa về mức 0% theo lộ trình 10 - 13 năm với các loại thịt mảnh tươi, ướp lạnh. Sản phẩm thịt heo chế biến cũng sẽ phải đưa thuế về 0% sau 8 - 11 năm, tùy mặt hàng.

Với mặt hàng thịt gà nguyên con, tươi, ướp lạnh và phụ phẩm, hiện đang được VN áp thuế 10 - 25%, sẽ phải xóa bỏ thuế theo lộ trình 12 năm tới. Thịt gà chế biến xóa bỏ thuế sau 8 - 11 năm.

Theo bà Hạnh, ngành nông nghiệp VN cũng hưởng lợi nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng bởi các nước thành viên TPP cũng sẽ mở cửa cho sản phẩm nông nghiệp VN. Chẳng hạn, Mỹ cam kết sẽ xóa bỏ thuế với 97,7% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.

Riêng mặt hàng đường, VN sẽ được dành hạn ngạch 1.500 tấn/năm. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.

Với các mặt hàng thủy sản, Mỹ cam kết xóa bỏ thuế ngay cho 92,6% kim ngạch xuất khẩu của VN. Nhật cam kết mức xóa bỏ ngay là 91%.

Canada gần như xóa bỏ 100% thuế cho tất cả mặt hàng nông, thủy sản, đồ gỗ từ VN. Tuy nhiên, mức cam kết đạt được với Mexico không nhiều, trong đó nông sản thuế chỉ đưa về 0% cho khoảng 37% kim ngạch xuất khẩu...

Đặc biệt, tám nước thành viên sẽ xóa bỏ ngay thuế cho gạo VN, Mexico và Chile sẽ xóa thuế cho gạo VN sau 8 - 10 năm. Riêng Nhật Bản không cam kết xóa thuế cho mặt hàng này của VN. Mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng được 10 thành viên bỏ ngay thuế khi hiệp định có hiệu lực, trừ Mexico giữ lộ trình.

Tất cả thành viên đều xóa ngay thuế đối với hạt điều và rau quả nhiệt đới tươi nhập từ VN, các thành viên - trừ Nhật Bản - cũng xóa ngay thuế cho mặt hàng chè VN... Với mặt hàng thủy sản, theo bà Hạnh, các nước sẽ xóa thuế ngay cho VN, trừ một số mặt hàng sơ chế (cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua...) sẽ xóa thuế sau 2 - 3 năm.

Phải điều chỉnh chiến lược

Theo ông Cao Đức Phát, trong sáu nhóm ngành hàng nông nghiệp, chăn nuôi là ngành gặp khó khăn nhất sau khi VN tham gia TPP.

Với đặc trưng chăn nuôi nhỏ lẻ, việc cạnh tranh với thịt bò Úc và New Zealand - các quốc gia có rất nhiều thế mạnh về thịt bò và sản phẩm liên quan đến chăn nuôi bò, cũng như thịt heo và thịt gà của Mỹ và Canada - những cường quốc trong các lĩnh vực này - thật sự là thách thức rất lớn của ngành chăn nuôi VN.

“Chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược ngành chăn nuôi và một số lĩnh vực khác, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt cho nông hộ nhỏ” - ông Phát nói, đồng thời cho biết ngành nông nghiệp sẽ sớm nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách hỗ trợ cần thiết.

Tuy nhiên, ông Phát cảnh bảo rằng chỉ hai tháng nữa VN sẽ bắt đầu tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Và theo cam kết, đến năm 2018 sẽ chỉ còn vài chục sản phẩm từ khu vực này vào VN chịu thuế 5%, còn lại 0% nên bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán các bài toán đầu tư, cạnh tranh.

Trong khi đó, chuyên gia chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng bên cạnh những khó khăn, việc tham gia TPP cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi VN điều chỉnh lại chiến lược phát triển phù hợp.

Theo ông Lịch, phần lớn người tiêu dùng VN - trừ một số đô thị và các khu công nghiệp - đều có thói quen sử dụng thịt nóng thay vì thịt đông lạnh. Hơn nữa, lộ trình giảm và xóa thuế là 10 - 13 năm tới, còn nhiều thời gian ngành chăn nuôi VN thay đổi để thích nghi và cạnh tranh.

“Đã đến lúc ngành chăn nuôi VN phải đổi mới chất lượng và hạ giá sản phẩm. Nếu hạ giá được 30% và nâng chất lượng, chăn nuôi VN sẽ cạnh tranh được” - ông Lịch nói.

Tuy nhiên, VN hiện có tới 11 triệu nông hộ cùng tham gia chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, do đó cần có chiến lược để tập hợp, tổ chức lại sản xuất để có thể tồn tại.

“Phải có cơ chế để hỗ trợ những doanh nghiệp lớn tham gia tổ chức lại sản xuất trong ngành chăn nuôi, thay vì để ngành chăn nuôi manh mún như thời gian qua” - ông Lịch đề nghị.


Có thể bạn quan tâm

Đề xuất hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh tối đa là 84,1% Đề xuất hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh tối đa là 84,1%

Theo quy định tại Điều 6, Khoản 3, c của Nghị định 36/2014/NĐ-CP thì các sản phẩm cá tra phải đảm bảo hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm (cá tra phi lê sau khi đã loại bỏ lớp mạ băng). Mức quy định nêu trên là tương đương với mức tăng trọng cho phép khoảng 15% so với miếng cá phi lê nguyên liệu.

23/05/2015
Dự báo xuất khẩu thủy sản hồi phục sau điều chỉnh tỷ giá Dự báo xuất khẩu thủy sản hồi phục sau điều chỉnh tỷ giá

Để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VNĐ và USD áp dụng từ ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.

23/05/2015
Xuất khẩu thuỷ sản giảm nguyên nhân tôm rớt giá Xuất khẩu thuỷ sản giảm nguyên nhân tôm rớt giá

Sau khi thiết lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD vào năm 2014, ngay từ những tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau lại bước vào giai đoạn khó khăn mới, khiến giá trị xuất khẩu thuỷ sản giảm khá mạnh. 4 tháng đầu năm 2015, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 176.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.

23/05/2015
Lô hàng thủy sản xuất khẩu đầu tiên được cấp chứng thư điện tử Lô hàng thủy sản xuất khẩu đầu tiên được cấp chứng thư điện tử

Ngày 13-5, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận được thông báo của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu cho biết, đã nhận được chứng thư điện tử đầu tiên trên Hệ thống chuyên môn và kiểm soát thương mại (TRACES) do Cục này cấp cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU.

23/05/2015
GAA, ASC và GlobalG.A.P thống nhất chương trình đánh giá chung GAA, ASC và GlobalG.A.P thống nhất chương trình đánh giá chung

Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAA), Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) và GlobalG.A.P đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc triển khai biên bản ghi nhớ (MoU) trong Hội chợ thủy sản toàn cầu tại Brussels, Bỉ.

23/05/2015