Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ những chủng virus cúm hiện đang xuất hiện tại Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 21/1, Cục Thú y cho biết, tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã xuất hiện virus cúm độc lực cao H5N2 làm chết nhiều gia cầm, đồng thời tại nhiều địa phương của Trung Quốc đã phát hiện virus cúm A/H7N9 và virus cúm A/H10N8 trên người. Tại Đài Loan, cơ quan y tế đã phát hiện chủng virus cúm A/H6N1 ở một bệnh nhân nữ.
Theo Cục Thú y, nguy cơ những chủng virus này xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.
Cục Thú y cũng cho biết dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, virus cúm gia cầm đã làm chết 9.787 con gia cầm (395 con gà, 9.392 con vịt). Ngay sau khi phát hiện, tỉnh Bắc Ninh đã công bố dịch, triển khai các biện pháp chống dịch trên địa bàn đồng thời tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trên.
Ngày 20/1, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã xác nhận ca tử vong đầu tiên trong năm 2014 do mắc cúm A/H5N1 (bệnh nhân là nam, 52 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).
Về dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh, hiện chỉ có tỉnh Lạng Sơn đang xuất hiện dịch. Tuy nhiên, do đang là thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nguy cơ các loại dịch này tái bùng phát là rất cao, do đó việc kiểm soát, phát hiện dịch bệnh kịp thời cần được các địa phương tiếp tục thực hiện. Người chăn nuôi cần đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.
Lãnh đạo Cục Thú y cho biết hiện các đoàn công tác của Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng đang tập trung lực lượng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chủ động phòng, chống dịch tại các địa phương. Trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đã ra Chỉ thị phòng chống khẩn cấp các dịch cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành tập trung cao độ để triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm khắc phục những hạn chế, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, nâng cao hiệu quả nghề nuôi tôm nước lợ phục vụ chế biến xuất khẩu, Tiền Giang đang đưa vào áp dụng thành công một số mô hình mới: Nuôi tôm sú kết hợp tôm thẻ, nuôi tôm thẻ kết hợp cá rô phi, tôm + lúa... tại các vùng nuôi trọng điểm ven biển Gò Công.

Sau mỗi đêm ra khơi đánh bắt, ngư dân có thu nhập vài triệu đồng. Những ngày gần đây, nhiều ngư dân đánh bắt gần bờ xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục trúng mực cơm.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ khuyến cáo bà con giảm dần diện tích trồng hành ở mức độ hợp lý để đảm bảo cung cầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước thực trạng sản phẩm hành tím Vĩnh Châu gặp khó khăn đầu ra trong 2 niên vụ liên tiếp gần đây nhất, tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức lại sản xuất vùng này trong các niên vụ sắp tới.

Những ngày qua, hàng trăm nông dân ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi mà khoảng 60 ha ớt hiểm được trồng trong vụ ớt năm nay cho hoa nhiều hơn trái!

Xuất phát từ nhu cầu trồng trọt bằng giống cây sạch bệnh, chất lượng cao nên việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật cung cấp cho nông dân đang trở thành xu hướng phát triển ở nhiều tỉnh, thành. Tại Bình Thuận, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng KHCN Bình Thuận (Sở Khoa học - Công nghệ) hiện là đơn vị đi đầu và làm chủ công nghệ nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật.