Ngăn Chặn Nhân Nuôi Ốc Bươu Vàng

Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, ngăn chặn việc nhân nuôi ốc bươu vàng.
Công văn nêu rõ: Ốc bươu vàng là loài ngoại lai xâm hại và là sinh vật gây hại nguy hiểm đối với lúa cùng một số cây trồng dưới nước ở Việt Nam. Vì vậy, ốc bươu vàng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, các hành vi gây nguy cơ phát tán sinh vật gây hại này phải bị nghiêm cấm.
Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng buôn bán nhân nuôi ốc bươu vàng thiếu kiểm soát, gây nguy cơ lây lan, phát tán dịch hại, vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Cục Bảo vệ Thực vật đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm, song tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Để kịp thời ngăn chặn các vi phạm nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo khẩn trương và quyết liệt để thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển, phát tán ốc bươu vàng theo quy định của Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật (nếu vi phạm trước ngày 20/11/2013) và Nghị định 114/NĐ-CP ngày 4/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (nếu vi phạm từ ngày 20/11/2013).
Đặc biệt nghiêm cấm việc nhân nuôi ốc bươu vàng. Nếu phát hiện không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà còn buộc phải tiêu hủy theo quy định.
2. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương và chính quyền cấp huyện, xã phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại của ốc bươu vàng và các hành vi làm tăng nguy cơ phát tán, thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật có liên quan; khuyến khích người dân phát hiện vi phạm để báo cho chính quyền địa phương và tham gia giám sát việc xử lý vi phạm.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nhiều hộ nông dân ở xã cồn Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đang phấn khởi vì củ cải trắng trúng mùa, được giá.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo là diễn ra gay gắt trong những tháng mùa khô do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp Hậu Giang phải bố trí cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý nhằm giảm đến mức tối thiểu thiệt hại.

Do giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong vài năm gần đây nên nông dân vùng Đông Nam bộ đã ồ ạt phát triển diện tích canh tác.

Đời sống của nông dân Hậu Giang cải thiện đáng kể nhờ nguồn thu nhập từ 35 triệu đồng - hơn 100 triệu đồng/ha mía.

Liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm khắc phục những hạn chế và yếu kém trong sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản. Vậy nhưng, từ mô hình đến nhân rộng vẫn còn nhiều lực cản.