Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ngậm Đắng Nuốt Cay Vì... Ớt

Ngậm Đắng Nuốt Cay Vì... Ớt
Ngày đăng: 02/05/2014

Sau hàng loạt nông sản như dưa hấu, khoai mì… bị dội chợ do gặp trở ngại từ thị trường Trung Quốc, nay đến lượt người trồng ớt, chuối… lao đao

Nhờ có nhiều vùng đất phù sa màu mỡ nên từ lâu huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là vựa ớt lớn nhất miền Tây vì nơi đây có diện tích gieo trồng lên đến hơn 2.000 ha với tổng sản lượng từ 40.000 đến 50.000 tấn/năm.

Từ năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho “Ớt Thanh Bình”. Từ đó, người trồng ớt cũng hy vọng có được những chính sách tốt, nhất là thị trường tiêu thụ, để phát triển cây ớt.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, thị trường tiêu thụ ớt của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc (TQ) với khoảng 80% sản lượng và chủ yếu xuất tiểu ngạch nên giá cả luôn bấp bênh.

Qua tìm hiểu cho thấy trong thời gian gần đây, một số thương lái TQ đến tạm trú tại địa phương này để dụ nông dân trồng loại ớt “lạ” với nhãn hiệu Demon rồi hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao. Thế nhưng, khi nông dân ồ ạt trồng thì lại không thấy các thương lái đó đến thu mua.

Ông Lê Văn Cương ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cho biết trước đây, gia đình ông chuyên trồng ớt chỉ thiên với giá bán dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Hiện nay, dù loại ớt này rớt giá xuống còn khoảng 12.000-14.000 đồng/kg nhưng nông dân vẫn có lãi. Thế nhưng, sau khi trồng thử loại ớt do thương lái TQ giới thiệu thì coi như thua lỗ nặng.

“Giá ớt Demon hiện chỉ còn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg mà cũng không dễ gì bán. Cách nay không lâu, các thương lái TQ đi thành đoàn, nhóm và có cả thông dịch viên vào tận rẫy ớt của nông dân rồi quay phim, chụp ảnh. Họ còn khuyên tụi tôi nên trồng loại ớt này sẽ không phải lo đầu ra cũng như giá cả” - ông Cương ngao ngán.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, một thương lái chuyên thu mua ớt ở huyện Thanh Bình, sở dĩ có việc thương lái TQ muốn thao túng thị trường cũng như diện tích gieo trồng vì ớt Thanh Bình nổi tiếng về độ cay nồng và thơm. Thậm chí, họ còn đưa giống cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật để nhờ các đại lý này dụ bán cho nông dân với giá rẻ. Nay họ không mua ớt thành phẩm nên giá rớt thảm hại.

Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, tình hình cũng tương tự. Ruộng ớt của ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã An Hiệp, huyện Tuy An) rộng gần 2.000 m2 đang đến kỳ thu hoạch nhưng ông vẫn ngồi bờ, chống cằm nhìn ruộng ớt trong tâm trạng chán nản. Giá ớt chín giờ rớt thảm hại, từ 40.000 đồng/kg dịp Tết giờ chỉ còn 7.000 đồng/kg.

Theo ông Sơn, nhiều người dân trong xã hiện đã phải nhổ bỏ ớt để xuống giống những cây trồng khác dù ruộng ớt chỉ đang bắt đầu kỳ thu hoạch. “Thương lái TQ chơi nghiệt thiệt, cứ lùng mua ớt giá cao nhưng đến khi mình trồng nhiều thì không mua nữa” - ông Sơn chua chát.

Thương lái hô biến, nông dân “trượt vỏ chuối”

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, những người trồng chuối cũng đang đứng ngồi không yên. Chỉ cách đây nửa tháng, đầu nậu thương lái TQ rảo khắp các đồi núi để mua chuối trái với giá chưa bao giờ người dân nghĩ tới: 12.000 đồng/kg. Thế nhưng, hiện tại, khi thương lái TQ biệt tăm, giá chuối rớt như không có điểm dừng, hiện chỉ còn 7.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.

Nhiều người dân ở huyện Tuy An cho biết: Trước đó, một thương lái tên là Nguyễn Duy Mão (được giới thiệu là người Lạng Sơn, có gia đình bên TQ) mỗi ngày thường mua từ 40-60 tấn chuối ở Phú Yên để chuyển cho gia đình bên TQ. Khi giá chuối rớt thê thảm thì ông Mão cũng biến mất.

Ông Huỳnh Công Điềm, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Phú Yên, cho biết hiện cơ quan này đang theo dõi việc thu mua hàng nông sản của đầu nậu thương lái TQ. “Thực tế, rất khó quản lý việc mua bán của họ. Chi cục chỉ khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi mua bán với thương lái TQ” - ông Điềm nói.


Có thể bạn quan tâm

Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long Nhiều Hộ Thu Thập 70 - 300 Triệu Đồng/năm Từ Trồng Thanh Long

Trong năm 2013, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển mô hình trồng cây thanh long tập trung chủ yếu ở 2 xã: Minh Thanh, Thái Học, với 39 hộ tham gia, trên diện tích 7,68 ha.

04/11/2013
Hồ Tiêu Việt Nam Ngày Càng Mất Giá Hồ Tiêu Việt Nam Ngày Càng Mất Giá

Sản lượng tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kì nhưng giá lại thấp hơn nhiều so với thế giới.

27/04/2013
Ồ Ạt Bỏ Lúa Trồng Cam Ồ Ạt Bỏ Lúa Trồng Cam

Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn

08/11/2012
Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

27/04/2013
Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên Thả Gần 60kg Cá Giống Vào Hồ Thủy Điện Sông Ba Hạ Ở Phú Yên

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…

29/04/2013