Nét Mới Trong Nuôi Trồng, Khai Thác Thuỷ, Hải Sản Ở Giao Thiện (Nam Định)

Đến xã Giao Thiện (Giao Thuỷ - Nam Định) những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân nơi đây. Anh Trần Văn Nguyên ở xóm Tân Hồng phấn khởi cho biết, gia đình anh đang lắp đặt các quạt đảo nước tạo ô-xy cho các ao nuôi để kịp thả tôm giống.
Được biết, vụ nuôi tôm trước, do thả muộn cộng với thời tiết rét vào cuối vụ nên doanh thu của gia đình anh Nguyên chỉ còn 1 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi 700-800 triệu đồng. Bước vào vụ nuôi mới, anh đã chủ động đi tham quan các mô hình nuôi áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt, an toàn dịch bệnh (GAP/CoC) tại các xã Giao Phong (Giao Thủy), Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), đồng thời tham gia 3 lớp tập huấn về nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap ở HTX Nuôi trồng thuỷ sản 1 của xã Giao Phong do Cty Grobest Industrial tài trợ.
Đầu năm 2014, anh đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nước sử dụng bảo đảm theo tiêu chuẩn, khu nuôi có hệ thống ao lắng, kênh cấp, kênh thoát riêng biệt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 1,5ha gồm 6 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh đã chuẩn bị hơn 100 vạn con tôm giống thẻ chân trắng đảm bảo sạch bệnh để kịp xuống giống vào cuối tháng 3-2014.
Trên địa bàn xã Giao Thiện hiện có khoảng hơn 100 hộ chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình thâm canh công nghiệp với tổng diện tích 298ha; trong đó tập trung chủ yếu ở xóm Tân Hồng. Bên cạnh đó, còn có 79 hộ nuôi gần 688ha tôm thẻ chân trắng kết hợp với trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Ngạn, đóng góp cho ngân sách xã hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Các hộ nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như hộ các ông Trần Phúc Thành ở xóm 18, Vũ Hồng Chinh ở xóm 24, Đinh Trọng Bách ở xóm 27.
Bằng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và bán công nghiệp với các con nuôi chủ lực là tôm sú, tôm rảo, cua và ngao giống, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản của toàn xã năm 2013 ước đạt hơn 985ha, tổng sản lượng thủy, hải sản ước đạt 1.224 tấn. Tổng thu nhập từ kinh tế biển của toàn xã đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với năm 2012.
Ngoài ra, nhân dân trong xã còn tận dụng diện tích mương dẫn nước, ao hồ, đầm, vũng ở cả vùng nước ngọt và nước lợ để trồng rau câu. Năm 2013, sản lượng rau câu của xã ước đạt 850 tấn. Với cách trồng đơn giản (thả giống một lần, thu hoạch nhiều đợt trong năm, mỗi đợt từ 15-20 ngày), mỗi ha rau câu đạt năng suất 3-5 tấn. Hiện nay, ở Giao Thiện có khoảng hơn 100 hộ thả rau câu kết hợp với nuôi cá vược, cá rô phi đơn tính hoặc nuôi cua biển.
Đây là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với mô hình nuôi thuỷ sản theo phương thức quảng canh, bán thâm canh tại khu vực Cồn Ngạn vì ngoài giá trị kinh tế, rau câu còn có tác dụng cải tạo môi trường nước, tạo khoáng chất và các sinh vật phù du có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cua biển, cá vược, cá rô phi đơn tính.
Từ mô hình này, gia đình các ông: Trần Văn Thiện, Trần Văn Lợi ở xóm Tân Hồng; Ngô Doãn Chiến, Trần Nguyên Hán ở xóm 21… đã đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh nuôi trồng, nghề khai thác hải sản ở xã cũng phát triển, thu hút hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận với gần 200 phương tiện khai thác gần bờ. Xã Giao Thiện còn từng bước hình thành các hộ cung ứng dịch vụ về vật tư, thiết bị, giống tôm thẻ chân trắng như ông Trần Hữu Lợi ở xóm Tân Hồng đã thành lập Cty TNHH một thành viên Bính Lợi chuyên cung ứng giống cho bà con trong xã.
Với kinh nghiệm hơn 13 năm sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cua biển xanh, ngao giống, hiện tại mỗi vụ Cty cung ứng cho các hộ nuôi trong xã từ 6-17 triệu con tôm thẻ chân trắng và tôm sú, hơn 1 triệu con cua biển và hàng chục tỷ con ngao giống. Ông Lợi cho biết, hiện tại, gia đình ông đang tiến hành cải tạo 4 ao ương giống và 35 bể nuôi giống để đáp ứng nhu cầu nuôi tôm thẻ chân trắng của các hộ trong vụ nuôi mới.
Toàn bộ quy trình sản xuất tôm thẻ chân trắng giống của Cty đều được chuyển giao công nghệ từ Viện KH và CN khai thác thuỷ sản tại Nha Trang, đảm bảo con giống xuất bán khoẻ, sạch bệnh và thích nghi tốt với môi trường nước lợ nơi đây. Bình quân hằng năm, Cty thu lãi hơn 400 triệu đồng từ sản xuất và cung ứng con giống các loại.
Năm 2014, xã Giao Thiện phấn đấu giá trị thu nhập từ nuôi trồng và khai thác thuỷ, hải sản đạt 55 tỷ đồng. Hiện xã đang tiếp tục vận động các nhóm, hộ nuôi trồng thủy, hải sản đầu tư vốn, cải tạo đầm, áp dụng các quy trình nuôi thuỷ sản theo hướng VietGap để tăng giá trị sản xuất; mở rộng diện tích nuôi thâm canh, đa dạng hóa các loại thủy sản như tôm sú, cua biển để đạt giá trị thu nhập cao.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại, củ dền tại vườn có giá 18.000 đồng một kg, bán lẻ tại chợ Đà Lạt từ 23.000 đến 25.000 đồng, được ghi nhận là cao nhất từ trước tới nay. Vào thời điểm đầu năm, giá loại củ này chỉ trên dưới 1.000 đồng một kg, nhiều nhà vườn đã phải phá bỏ hoặc cho bò ăn, dẫn đến hạn chế canh tác.

Bà Dàng tâm sự: “Giá mía quá rẻ, tôi bán chỉ được 700 đ/kg. Thương lái đặt cọc có 1 triệu đồng và hẹn hơn 20 ngày nữa mới tới thu mua. Trong khi mía đã trổ cờ, đến lúc đó mía bị bọng ruột và khô hết, chắc chẳng còn được mấy tấn/công. Tình hình này thì nông dân trắng tay, không biết lấy đâu ra vốn đầu tư cho vụ tiếp theo”.

Được phù sa sông Cửu Long bồi đắp và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Đồng Tháp có tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản .. Từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hàng trăm người dân đổ về huyện Sơn Hà, Tây Trà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) triệt hạ cây rừng phòng hộ để thu hoạch ươi đang còn tươi, non.

Sau hơn 15 năm có mặt và phát triển trên vùng đất Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), cây cam chanh đã khẳng định được vị trí của mình, bởi sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, có hương vị đậm đà không thua kém gì các sản phẩm cam nổi tiếng trong tỉnh như: Cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam chanh Cẩm Yên...