Nâng Tầm Trái Cây Đặc Sản Từ Những Cách Làm Hay

Chủ động tìm tòi, sáng tạo và chắt lọc những mô hình sản xuất mới lạ để tạo ra các sản phẩm độc đáo, thích ứng nhu cầu thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình là những bước đi đột phá của nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp trong thời gian qua. Dự kiến, nhiều nhà vườn sẽ tung ra một số sản phẩm trái cây độc đáo, lạ mắt cung cấp cho thị trường Tết.
Phát huy những lợi thế từ loại trái cây đặc sản, thời gian qua nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung bắt đầu tìm tòi những cách làm mới để tạo được sức hút lớn từ thị trường. Tiêu biểu là sản phẩm quýt chậu của nhà vườn Lưu Văn Ràng ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung.
Với niềm đam mê nghệ thuật bonsai và nguyện vọng phát triển quýt hồng bằng một lối đi mới, năm 2000, ông Ràng bắt đầu mày mò, đúc kết kinh nghiệm và là người đầu tiênthành công với cách làm đưa quýt hồng vào chậu. Nhờ cách làm này, ông Ràng thu về vài trăm triệu đồng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tiếp nối thắng lợi của những năm trước, dịp Tết Ất Mùi 2015 này, ông Lưu Văn Ràng tiếp tục tung ra thị trường khoảng 350 chậu quýt cảnh với kiểu dáng bắt mắt, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, mỗi chậu quýt lớn có kiểu dáng đẹp giá trung bình từ 1,5 triệu - 4 triệu đồng, chậu nhỏ có giá dao động từ 700 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng/chậu. Mặc dù giá có tăng khoảng 30% so với năm trước nhưng hiện tại hơn 2/3 số chậu quýt của vườn ông Ràng đã được khách hàng đặt mua.
Hiện nay ngoài ông Ràng, một số nhà vườn của huyện Lai Vung cũng sản xuất thí điểm và thành công với mô hình sản xuất quýt cảnh cung cấp vào dịp Tết.
Anh Võ Phú Cường (SN 1973) ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “So với nhiều loại cây cảnh và hoa kiểng khác thì sản xuất quýt cảnh khó hơn rất nhiều. Bởi quýt hồng trồng ở đất thịt đã rất khó khi xử lý cho trái, thì việc đưa vào chậu, xử lý trái vào tạo dáng để chậu quýt được cân đối và có hình dáng bắt mắt đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật cao và đầu tư rất công phu.
Đã có nhiều nhà vườn thất bại với mô hình này, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng không thu được lợi nhuận do chưa nắm rõ qui trình kỹ thuật. Đây cũng là lý do khiến quýt cảnh ở Lai Vung liên tục hút hàng trong những năm qua”. Trong dịp Tết này, dự kiến anh Cường sẽ tung ra thị trường trên 200 chậu quýt hồng, hiện nay nhiều mối lái đã đến ngã giá và đặt mua với số lượng lớn, trung bình mỗi chậu có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng.
Huyện Lai Vung có thế mạnh là quýt hồng thì huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh lại nức tiếng gần xa với đặc sản xoài. Xoài là một trong 5 loại ngũ quả thường được chưng trong gia đình Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Nhiều nhà vườn cũng nắm bắt cơ hội cho xoài ra trái đúng dịp Tết.
Một trong những cách làm hay, sản phẩm được thị trường đánh giá cao là kỹ thuật làm cho vỏ xoài chuyển từ màu xanh sang màu vàng anh. Ông Phạm Tấn Minh - thành viên của Tổ hợp tác (THT) sản xuất xoài ở phường 6, TP.Cao Lãnh là một trong những nhà vườn có nhiều năm thành công với kỹ thuật mới này chia sẻ: “Hiện nay, nhiều mối lái đến đặt hàng xoài của tôi với giá từ 32 ngàn - 35 ngàn đồng/kg, cao hơn xoài cùng loại từ 20 - 35%.
Dự kiến dịp Tết này, tôi sẽ cung cấp khoảng 1 tấn xoài loại này. So với kỹ thuật sản xuất thông thường thì kỹ thuật cho trái xoài có màu vàng không có gì khác biệt. Bí quyết là thay vì sử dụng túi bao trái thông thường thì tôi và nhiều nhà vườn ở đây sử dụng túi bao trái bên trong màu đen và bên ngoài màu vàng.
So với túi màu trắng thông thường thì túi bao trái màu vàng giá thành cao hơn nhưng bù lại xoài có vỏ màu vàng rất đẹp, trái to và đặc biệt người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện mặt hàng này là sản phẩm an toàn”.
Ông Minh cũng thông tin thêm, hiện nay thị trường rất ưa chuộng sản phẩm này. Do đó, dự kiến trong năm 2015, THT sẽ thực hiện bao trái xoài bằng bao màu vàng nhiều hơn để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Bên cạnh sử dụng kỹ thuật bao trái bằng túi bao màu vàng trên xoài, một số nhà vườn ở TP.Cao Lãnh cũng áp dụng kỹ thuật tương tự trên trái bưởi và thu được kết quả khả quan. Hiện tại, bưởi màu vàng đang khá hút hàng vào dịp Tết, so với bưởi thường thì giá bưởi vàng cao hơn từ 30 - 40%.
Với kỹ thuật mới, cách làm độc đáo, bà con nhà vườn đã giúp cho nhiều trái cây đặc sản Đồng Tháp nâng lên một tầm cao mới và được sự đón nhận cao từ thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Chính sách phát triển thủy sản không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của ngư dân, mà còn tiếp sức cho họ vững tin khi là những cột mốc chủ quyền trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng để những chính sách ấy có sức sống và là “bà đỡ” của ngư dân thì tiền thôi, chưa đủ.

Với phương châm kinh doanh cùng nông dân và mục tiêu hướng đến nông nghiệp-nông thôn nên Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã chủ động xây dựng Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà với nhiệm vụ thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh; Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hoá với giá rẻ, thích hợp nhiều loại cây trồng và Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng sắn ở vùng miền núi.

Một trong những tiêu chí về nông thôn mới là thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người/năm phải cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh. Muốn tăng nhanh mức thu nhập của hộ nông dân và tạo nhiều việc làm ở nông thôn thì một trong những giải pháp hữu hiệu nhất là mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ KHKT để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, bởi nhu cầu trên thụ trên thế giới tăng cao. Hiện giá cá tra phi lê xuất sang thị trường châu Á đang nhích lên khoảng 2,5- 2,6 USD/kg, từ đó kéo giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tăng lên từ 23.500- 24.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi có lãi.

Ngồi nhẩn nha uống trà ở trụ sở UBND xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), anh Mai Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đã cho chúng tôi biết: Trong những năm gần đây, đời sống của người trồng chè ở xã được cải thiện, nâng cao. Nhiều gia đình có tiền xây nhà biệt thự, mua xe ô tô bạc tỷ. Tiền bạc đều từ cây chè mà ra.