Nắng Nóng Ảnh Hưởng Đến Tiến Độ Thả Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Đồng Tháp

Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.
Kỹ sư Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho biết: “Năm nay, việc thả nuôi chậm do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày cao có khi lên tới 36 - 37 độ C, thủy vực nước kênh thấp, chất lượng nước kém, việc bơm nước để ương nuôi tôm rất khó khăn nên các hộ nuôi rất ngán ngại xuống giống sớm. Dự kiến, cuối tháng này và giữa tháng 5 mới thả nuôi tập trung...”.
Theo kế hoạch năm 2013, toàn huyện Tam Nông sẽ tăng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 1.000 ha, ước sản lượng đạt 1.700 tấn. Trạm Thủy sản sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho người nuôi; đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp triển khai mô hình vùng nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GMP, GAP để làm tiền đề cho việc cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Mặc dù tiến độ thả nuôi chậm, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch nuôi tôm càng xanh năm 2013 của huyện.
Kỹ sư Nguyễn Sĩ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông khuyến cáo: “Các hộ nuôi cần chủ động liên hệ với các trại giống ký hợp đồng trước để cung cấp đủ số lượng giống. Thay vì mọi năm thả 3 đợt, năm nay thả dồn 2 đợt cuối, khả năng thiếu giống có thể xảy ra. Do đó, bà con phải chủ động, tuy tiến độ thả nuôi chậm nhưng vẫn đảm bảo diện tích nuôi như mọi năm”.
Có thể bạn quan tâm

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phát triển ngành thủy sản theo hướng hội nhập bền vững với chỉ tiêu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng đạt 1 triệu ha mặt nước, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2,5 triệu tấn, trong đó có 450.000 tấn tôm.

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Từ đầu tháng 7.2013 đến nay, người nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) phấn khởi vì giá sản phẩm liên tục tăng. Do dịch bệnh tôm, giá con giống và thức ăn tăng nên mức lãi không được như mong muốn, nhưng người nuôi tôm vẫn an tâm sản xuất.

Toàn tỉnh Cà Mau đã có trên chín nghìn ha các loại hình tôm nuôi bị dịch bệnh chết trắng trong vài tháng qua; trong đó có 833 ha diện tích tôm nuôi công nghiệp. Dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi như đốm trắng, đỏ thân, gan tụy và đến nay vẫn chưa có cách phòng trừ, chữa trị dịch bệnh này.

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, người nuôi nghêu không khỏi lo lắng do nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm gần đây vẫn chưa được xác định, đồng nghĩa “tai họa” có thể bất ngờ ập xuống bất cứ lúc nào mà người nuôi nghêu không có cách gì để phòng tránh.