Nâng chất đàn bò Sông Hinh (Phú Yên)

Trồng cỏ nuôi bò
Nhờ có diện tích đất rộng, huyện Sông Hinh đã phát triển nghề chăn nuôi bò khá sớm. Tuy nhiên, người dân ở đây chủ yếu nuôi giống bò cỏ địa phương với hình thức chăn thả rông, thức ăn cho bò phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên là chính. Những năm trở lại đây, khi diện tích mía, sắn cùng nhiều loại cây trồng khác phát triển mạnh, đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp nên nguồn thức ăn cho bò ít dần. Bò thường xuyên bị thiếu thức ăn, chậm lớn, giá trị kinh tế không cao, người dân dần giảm đàn và chuyển đổi sang mô hình nuôi bò bán công nghiệp. Ông Ma Toàn ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng, cho biết: Hồi trước, đàn bò nhà tôi có gần 30 con. Nhưng bây giờ đồng cỏ không còn nữa nên tôi phải bán bớt bò đi. Hiện gia đình tôi chỉ còn nuôi 10 con bò, thức ăn chủ yếu là cỏ trồng ven các rẫy sắn, mía. Còn Mí Quí cũng ở buôn này, cho hay, để có thức ăn cho bò, nhà mí phải tận dụng tất cả diện tích đất trống trong vườn nhà để trồng cỏ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, trước đây, Sông Hinh là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh với tổng đàn hơn 30.000 con. Nhưng mấy năm trở lại đây, vì thiếu thức ăn, người dân giảm dần đàn. Hiện tổng đàn bò của huyện khoảng 17.600 con, tập trung nhiều nhất ở các xã Ea Bia, Ea Lâm, Ea Trol… Để duy trì và phát triển nghề chăn nuôi bò, huyện Sông Hinh đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, giá trị đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế từ nghề này.
Ông Lê Ô Y Thảo, cán bộ phụ trách chăn nuôi, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Hàng năm, phòng Nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức từ 15 đến 20 lớp đào tạo các mô hình nuôi bò bán công nghiệp, cách thức thu gom, xử lý, ủ chua rơm rạ, lá sắn, mía… để trữ thức ăn cho bò. Từ nguồn kinh phí của huyện, phòng NN-PTNT cũng triển khai nhiều lớp hướng dẫn cho bà con cách trồng cỏ chăn nuôi bò và giới thiệu nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả nhờ chủ động được nguồn cỏ trồng”. Từ đó, nhiều hộ dân đã thay đổi thói quen chăn nuôi, biết trồng cỏ để nuôi bò. Oi Nhiêm ở xã Ea Bia, cho hay: Đàn bò nhà tôi có gần 20 con, nếu chỉ phụ thuộc vào cỏ tự nhiên thì không đủ cho bò ăn. Vì vậy gần một năm nay, gia đình tôi phải chuyển hơn nửa sào đất rẫy sang trồng cỏ để lấy thức ăn cho bò.
Nâng chất đàn bò
Hiện nay, huyện Sông Hinh đang thực hiện dự án đầu tư giống bò lai thí điểm tại buôn Bầu, xã Ea Bá, với kinh phí khoảng 500 triệu đồng từ ngân sách huyện. Theo đó, dự án đã cấp 3 con bò đực lai sind cho các hộ Ma Tuy, Oi Thiết và Ma Hoa. Những hộ gia đình này có trách nhiệm cho nhảy giống trên đàn bò cái của buôn. Đến nay, 36 con bê lai đã được sinh ra theo dự án này. Ma Tuy cho biết: Từ khi được Nhà nước cấp bò đực, tôi đã cho phối giống bò ở địa phương. Tính đến nay, bò đực này đã phối giống rất nhiều, nhưng tỉ lệ bê con sinh sản thành công không cao lắm, chỉ khoảng 10 con. Theo ông Lê Ô Y Thảo, mặc dù được phối giống từ bò đực lai sind, nhưng do bò mẹ nhỏ và gầy yếu nên bê con sinh ra chất lượng không cao. Vì vậy Phòng NN-PTNT huyện đang tiếp tục thực hiện dự án đổi bò cái nền. Khi người dân mua hoặc đổi bò cái từ giống bò cỏ sang bò lai sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/con. Đến nay, ở buôn Bầu, người dân đổi được 3 con bò cái.
Huyện Sông Hinh phát triển đàn bò theo hướng bán công nghiệp, nuôi nhốt và trồng cỏ để chủ động thức ăn. Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, hiện tỉ lệ bò lai chiếm 33% tổng đàn bò của huyện. Người dân đã chú trọng trồng cỏ nuôi bò, toàn huyện có khoảng 50ha cỏ trồng. Tỉ lệ các hộ nuôi bò có chuồng và có cây rơm khô đạt khoảng 90%. Tỉ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đạt khoảng 70%. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động, tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi bò bán công nghiệp để dần thay đổi thói quen, tập quán của bà con, nâng cao giá trị đàn bò và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi bò.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi lươn không cần bùn, đất; dễ quản lý số lượng, thức ăn dư thừa và dịch bệnh; lươn phát triển nhanh, ít hao hụt… Đó là những ưu điểm của mô hình thí điểm nuôi lươn không bùn được nông dân xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú - An Giang) áp dụng mang lại hiệu quả tốt.

Có thể thấy, mặc dù khả năng đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng sản phẩm trứng gà hiện nay trên thị trường rất nhiều nhưng người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là sản phẩm chất lượng tốt, đâu là sản phẩm kém chất lượng. Không thiếu trường hợp, người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm trứng gà chất lượng thấp với giá cao.

Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) có diện tích lớn nuôi cá trong ruộng tập trung nhiều ở các xã Thới Hưng, Đông Thắng, Đông Hiệp. Riêng xã Thới Hưng có 1.500 hộ nuôi cá trong ruộng, chiếm 3.300 ha mặt nước.

Được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học năm 2012, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đã triển khai mô hình thâm canh 2 giống mỳ mới KM 228 và KM 140 tại 2 hộ dân ở thôn Ma Trai và thôn Động Thông (xã Phước Chiến).

Xuất khẩu thủy sản cả năm được dự báo sẽ cán đích trên 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm thẻ ở hầu hết các thị trường. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu nguyên liệu đầu vào cho chế biến tôm xuất khẩu đang thiếu trầm trọng.