Nâng Cao Ý Thức Người Dân

Thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển và lan nhanh trên vật nuôi. Vì thế, ngành chức năng của huyện Vân Canh đã triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân chủ động đối phó với dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) có thể xảy ra trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, trên địa bàn huyện có đến 80% dân số chăn nuôi GSGC. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 14.897 con bò, 1.568 con dê, 9.760 con heo và 41.309 con gia cầm. Số lượng vật nuôi tương đối nhiều, nhưng bà con ở đây lại có tập quán nuôi thả rông nên rất khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh.
Để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC, vừa qua, Trạm Thú y huyện Vân Canh đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện, các hội-đoàn thể triển khai công tác tuyên truyền phòng chống các loại dịch bệnh, đặc biệt là cúm A/H5N6, cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện.
Theo đó, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh GSGC, nắm vững kiến thức và tác hại của từng loại bệnh để có các biện pháp xử lý phù hợp, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân.
Cán bộ Trạm Thú y và Phòng NN-PTNT xuống tận cơ sở hướng dẫn cụ thể cho bà con cách phòng chống dịch, nhắc nhở làm vệ sinh môi trường chuồng trại, phun thuốc khử trùng tại các địa điểm chăn nuôi, theo dõi sát đàn GSGC để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường, nhanh chóng báo cáo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa không được dùng thịt gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân mà phải báo cáo cho nhân viên thú y biết để kịp thời xử lý.
Ngoài công tác tuyên truyền, việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho GSGC cũng được các cấp, ngành chú ý quan tâm đúng mức, luôn kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng nhiều loại bệnh cho vật nuôi như bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh, tả, tụ huyết trùng cho gia súc và dịch cúm A cho đàn gia cầm.
Hiện nay, tất cả 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai công tác tiêm phòng đạt tỉ lệ trên 80%. Trạm Thú y tiếp tục phân công cán bộ bám sát địa bàn, tiến hành kiểm tra đàn GSGC ở các cơ sở giết mổ, những nơi tập trung buôn bán để phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Trạm thú y huyện Vân Canh, chia sẻ: Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh GSGC, kết quả đạt được rất khả quan, nhưng qua thực tế cho thấy, cách làm hiệu quả nhất là nâng cao ý thức của từng người dân, phải tự mình phòng dịch bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường và khử trùng chuồng trại chăn nuôi của gia đình theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi người chăn nuôi phải biến mình thành một “nhân viên thú y” thì mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, 3.300/3.500ha lúa hè thu chính vụ của huyện Núi Thành đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, một số trà muộn ở thời kỳ cuối đẻ nhánh.

Đến ngày 3-7, Phú Thọ đã gieo cấy được gần 30.000ha lúa mùa. Gieo trồng cây màu: Ngô 2.548 ha; lạc 795 ha; đỗ tương 300 ha; rau 2.006,1 ha.

Lúa tái sinh, lúa chét, lúa gie… tùy theo cách gọi của từng địa phương, nhưng đều có đặc điểm chung là tận dụng ruộng đã thu hoạch vụ trước, chăm sóc để cây lúa tái sinh, sau khoảng 40-45 ngày thì thu hoạch. Tuy năng suất không cao bằng lúa chính vụ, nhưng với khoảng thời gian ngắn, lại không phải đầu tư giống, công gieo cấy, mỗi sào chỉ bón ít phân là cho thu hoạch.

Như đã thành thông lệ, cứ vào những ngày cuối tuần, du khách trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn lại nô nức kéo lên tham quan nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Mẫu Sơn (DLMS).

Mấy ngày gần đây, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Đồng Nai lùng mua heo mỡ có cân nặng từ 110 kg/con trở lên, kéo giá heo hơi tăng theo.