Nâng Cao Thu Nhập Từ Rau An Toàn

Câu lạc bộ rau an toàn xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp - Hậu Giang) ra đời không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn tạo cung cách làm ăn theo hướng an toàn, chất lượng, hiệu quả.
Câu lạc bộ rau an toàn ấp 1, xã Thạnh Hòa được thành lập năm 2006 với 14 thành viên. Ông Võ Kỳ Sơn, Chủ nhiệm CLB cho biết: "So với cách trồng màu truyền thống thì trồng rau màu an toàn có nhiều ưu thế hơn, vì kinh phí đầu tư thấp, năng suất cao. Ví như việc trồng màu bằng màng phủ có lợi thế là sự phản chiếu của màng phủ ngăn không cho sâu bệnh gây hại. Lượng phân bón không bị rửa trôi, tiết kiệm một phần chi phí, năng suất không hề thua kém so với cách trồng thông thường".
Chị Tống Thị Phương, thành viên CLB rau an toàn cho biết: "Tham gia CLB có nhiều cái lợi, nhất là được hỗ trợ giống, kỹ thuật... Vụ này, tôi trồng 4 công dưa leo (1 công = 1.000m2), với giá bán 3.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 10 triệu đồng. Trồng rau màu theo hướng an toàn, đầu ra luôn thuận lợi, thương lái vào tận rẫy thu mua, chỉ thỏa thuận về giá cả". Theo chị Phương, trồng theo mô hình này chỉ cực trong giai đoạn làm giàn, buộc đọt… Trung bình 31-33 ngày sau khi xuống giống là cho thu hoạch và thu hoạch liên tục trong vòng 15-25 ngày, có khi lên đến 40 ngày nếu chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi. So với các cây trồng khác, trồng màu thu nhập cao hơn vì sản xuất được nhiều vụ trong năm.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa cho biết: "Là địa phương được chọn xây dựng nông thôn mới nên xã quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực, trong đó có củng cố các CLB, tổ hợp tác. Hàng năm, xã ưu tiên hỗ trợ về kỹ thuật, giống mới cho nông dân, trong đó có CLB rau an toàn. Tuy nhiên, hiện nay nông dân xã Thạnh Hòa gặp không ít khó khăn do nhiều vùng chưa có đê bao khép kín làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm khi lũ về. Sắp tới, xã sẽ hệ thống hóa các tuyến đê bao khép kín để bà con yên tâm sản xuất"
Có thể bạn quan tâm

Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.

Nhờ khoai có giá nên sau khi thu hoạch xong vụ thứ 1, bà con nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) khẩn trương làm đất xuống giống tiếp vụ 2/2014.

Theo ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy (Hậu Giang), hiện diện tích dưa hấu tại huyện đã giảm đáng kể do đầu ra và giá cả bấp bênh. Cụ thể, giá dưa hiện chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg. Giá quá thấp dẫn tới thua lỗ, nên nhiều hộ tự mang sản phẩm chất đống trước nhà để bán, nhưng cũng chỉ được 2.500-3.500 đồng/kg, trong khi giá dưa bán tại các chợ đầu mối từ 5.000-6.000 đồng/kg.

Tăng năng suất, khắc phục hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng là yêu cầu chính đặt ra đối với đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác hợp lý nhằm đảm bảo và nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa)”.

Nhà vườn ở miền Tây đang mùa trái chín bắt đầu “thấm đòn” trước tác động kép: Hàng tiêu thụ chậm nay lại gặp thêm “nhà xe” tăng phí vận chuyển. Thương lái, nhà vựa thu mua trái cây cầm chừng, trái cây rớt giá sâu.