Nâng Cao Thu Nhập Nhờ Ứng Dụng Kỹ Thuật Mới

Nhờ mạnh dạn ứng dụng các giống lúa, đậu, ngô... mới vào sản xuất kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa nên giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì (Hà Nội) năm 2013 đã đạt 95 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 58 triệu đồng/ha so với năm 2008.
Tản Hồng là một xã thuộc vùng đồng bằng của huyện Ba Vì có diện tích đất trồng lúa 316ha. Thực hiện chương trình phát triển lúa hàng hóa của TP, năm 2013, xã Tản Hồng đã triển khai xây dựng được vùng lúa hàng hóa diện tích 180ha gồm các giống lúa TBR45, lúa thơm... Ngoài ra, xã còn thí điểm mô hình cấy giống lúa cao sản Hưng Dân với diện tích 10ha.
Ông Phương Văn Liểu - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng cho biết, cùng với việc đưa các giống lúa mới, xã thực hiện đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí và tăng năng suất 10% so với trước đây. Năng suất lúa cao sản của xã đạt từ 260 - 300kg/sào.
Còn tại xã Thuần Mỹ, để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã cũng chủ trương tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Trong ba năm qua, toàn xã đã chuyển đổi được 20ha đất bãi sang trồng chuối tiêu hồng, 35ha chè sạch cao sản... Nhờ đó đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 toàn xã là 25 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10 triệu đồng so với năm 2011.
Theo Phòng Kinh tế huyện Ba Vì, từ năm 2008 đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để đưa các giống lúa, khoai, ngô... mới có năng suất, chất lượng cao cho bà con nông dân. Toàn huyện cũng đã tổ chức 350 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất cho 28.000 lượt nông dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chuyên canh có giá trị kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa giống tại các xã Vật Lại, Phong Vân, Cổ Đô; vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 600ha tại các xã Phong Vân, Chi Lai, Tản Hồng, Phú Phương; vùng sản xuất ngô giống, đậu tương giống tại xã Cổ Đô, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt; vùng rau an toàn diện tích hơn 260ha tại xã Chu Minh, Minh Châu...
Ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, nhờ áp dụng các giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ trên địa bàn huyện đã cơ bản được thay đổi. Hiện tại, tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao toàn huyện chiếm 25% diện tích, chủ yếu là các giống TBR45, HĐB5, HĐB6, lúa thơm...
Việc ứng dụng chương trình cấy lúa cải tiến SRI, gieo sạ đã làm giảm công lao động, giảm chi phí, hạn chế sâu bệnh nhưng năng suất lúa vẫn cao hơn trước 6 - 7 tạ/ha. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn huyện năm 2013 đã đạt 23,6 triệu đồng/người/năm, gần đạt so với chỉ tiêu nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Hồ chứa nước sông Sào (Nghĩa Đàn - Nghệ An) là công trình thuỷ lợi lớn do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, được xây dựng theo nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Hệ thống đầu mối nằm ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, gồm: Đập chính, đập phụ, tràn xả lũ và hai tuyến cống lấy nước.

Môi trường nước thay đổi: Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 11 đến tháng 2 có thể xuống thấp đến 19-23oC và tăng cao vào tháng 4 đến tháng 6, có thể lên đến 30-35o C. Điều đó làm cho cá bị sốc, stress, bỏ ăn, suy yếu...tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho cá dễ bệnh. Chất lượng nước trong ao nuôi kém chất lượng, nguồn nước cấp bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân làm cho cá bệnh.

Mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu ở Đông Tiến, Bắc Ninh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi việc bảo hộ giá bán nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dường chưa được đáp ứng, người dân vẫn chịu ảnh hưởng của tình trạng được mùa rớt giá thì mấy năm trở lại đây cây hành đã đáp ứng được điều mà người dân và các cấp chính quyền đang mong đợi

Cả trăm hộ dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vô cùng bức xúc vì bị nhân viên nông vụ của Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam (Công ty KCP), chiếm đoạt tiền.