Nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt

Hàng Việt chiếm ưu thế
Tại Hội nghị tập huấn Tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa - cho biết: Sau 6 năm triển khai, Cuộc vận động đã đạt hiệu quả “kép” khi vừa khuyến khích doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có chất lượng tốt, giá phải chăng, vừa thúc đẩy người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (siêu thị Big C, Coop Mart, Metro... tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 80%).
DN Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm máy móc thiết bị hiện đại, hạn chế tình trạng nhập khẩu từ nước ngoài, tiết kiệm hàng triệu USD cho đất nước. Theo ước tính của Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có hơn 1.000 nhóm hàng hóa do DN tự sản xuất được, bao gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng.
Không chỉ phục vụ tốt thị trường trong nước, thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2015 đã chứng kiến sự bứt phá mạnh của nhiều hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đơn cử như lần đầu tiên ra “biển lớn”, quả vải Việt Nam đã có bước tiếp cận hoàn hảo đến nhiều quốc gia khó tính như Mỹ, Úc, Pháp…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đánh giá: Người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài không những tiêu dùng mà đã trở thành “cầu nối” cho hàng Việt sang các quốc gia nơi họ sinh sống. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng kênh thương vụ, Hội DN Việt Nam tại nước ngoài, nhiều mặt hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản đã và đang ngày càng tiếp cận tốt hơn thị trường thế giới.
Nắm bắt cơ hội để thành công
Dù đạt được những thành công nhất định nhưng nhìn chung, hàng hóa Việt Nam vẫn tồn tại không ít nhược điểm cần khắc phục. Ông Trần Thanh Hải nêu ví dụ: Trên một chuyến bay, tôi được giới thiệu 2 sản phẩm chè, một của Việt Nam và một của Sri Lanka.
Trong khi chè Sri Lanka được đầu tư bao bì hấp dẫn thì chè Việt Nam vẫn đóng gói bằng bao giấy rất thủ công. Với một người tiêu dùng bình thường và tương đối dễ tính, tôi cũng sẵn sàng chọn chè Sri Lanka thay cho chè Việt Nam.
Để “tăng lực” cho DN, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nội dung chính là tiếp tục hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối, giúp hàng hóa của DN có thể vươn xa hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DN cần chủ động hơn nữa, nắm bắt các cơ hội và chính sách của nhà nước để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhiều sản phẩm “Made in Việt Nam” đã chiếm ưu thế tại các cơ sở phân phối trong nước cũng như DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 21ha. Mặc dù người dân đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Nhưng do trình độ kỹ thuật lạc hậu, nuôi thả quảng canh, manh mún, nên năng suất, sản lượng thủy sản chưa cao (năng suất đạt 1,5 -2 tấn/ha, sản lượng đạt 43,6 tấn/năm).

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hải Giang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã thuần hóa, nuôi dưỡng thành công nhiều loài động vật sống trong tự nhiên và đem lại hiệu quả khá lạc quan. Trong đó, nuôi dúi và nhím được xem là mô hình mang lại lợi nhuận cao.

Thời điểm hiện nay, nông dân Bình Định tại các địa phương như: Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh… đang vào cuối vụ thu hoạch ớt, với giá thu mua đang ở mức khá cao. Tại các chợ đầu mối thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn), giá ớt tươi được các thương lái thu mua từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm chính vụ (từ tháng 4 đến tháng 7).

Giá cả diễn biến không thuận lợi, cộng với sự lấn át mạnh mẽ của cây thanh long làm cho diện tích cây đặc sản nếp bè ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) ngày càng thu hẹp dần.

Sau gần 5 năm gắn bó với cây khoai sáp, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tìm được cho mình một loại cây trồng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích loại cây này vì đầu ra không ổn định, việc tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào thương lái.