Nâng Cao Kỹ Thuật Canh Tác Hồ Tiêu

Những năm gần đây, người dân ồ ạt trồng mới cũng như chưa nắm bắt được kỹ thuật canh tác bền vững nên xảy ra tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu. Trước tình hình đó, huyện Chư Pưh đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhất là việc phổ biến kiến thức trong canh tác cây tiêu theo hướng bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Cây tiêu mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng khác. Do đó, nhiều hộ dân đã không ngần ngại mở rộng diện tích, cho dù chất đất không phù hợp với cây tiêu.
Cùng với đó, người dân dùng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Điều này đã làm cho sự sống của cây tiêu càng trở nên mong manh hơn, thậm chí người dân đã vô tình biến vườn tiêu của mình từ chỗ không bệnh trở thành bệnh.
Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh và góp phần đưa cây tiêu phát triển theo hướng bền vững, những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Chư Pưh đã nỗ lực thay đổi nhận thức canh tác của người dân qua các mô hình, hội thảo, các đợt tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững...
Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế, Công ty cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học Dona Techno (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cây tiêu bền vững (IPM) với hơn 1.000 hộ dân trồng tiêu trên địa bàn tham gia. Tại đây, các hộ dân được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp những thắc mắc về các loại bệnh trên cây tiêu, cách phòng ngừa các loại bệnh, cách chọn đất trồng phù hợp, chọn giống sạch bệnh…
Các chuyên gia còn hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý trụ, đất và phun thuốc phòng trừ tuyến trùng, bệnh thối gốc, thân trước khi tiến hành trồng, nhằm hạn chế nguồn bệnh tích lũy, lây lan cho vườn tiêu. Đặc biệt, người dân được Công ty Dona Techno hướng dẫn cách phân biệt các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả trên thị trường cũng như chỉ dẫn những loại thuốc đặc trị cho cây tiêu.
Huyện Chư Pưh có 2.500 ha hồ tiêu (năm 2014 trồng mới thêm hơn 74,5 ha), sản lượng bình quân hàng năm khoảng 7.000-9.000 tấn.
Trước đó, trong năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai mô hình IPM trên cây tiêu. Cụ thể là tổ chức lớp tập huấn TOT (lớp tiểu giáo viên) bao gồm 65 người là cán bộ cấp xã, huyện và lớp FFS dành cho các trưởng thôn, già làng, 165 hộ có diện tích tiêu lớn trên địa bàn.
Từ đó, các học viên sẽ tiếp tục phổ biến lại cho người trồng tiêu trên toàn địa bàn các xã, thị trấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng bền vững, cũng như cách phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên… để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Ông Siu Biai (ở làng Phung B, xã Ia Phang) cho biết: “Nhờ được tập huấn kỹ thuật nên người dân làng Phung B hiểu biết hơn việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, biết dùng phân bò để bón cho cây tiêu, không dùng nhiều phân hóa học nữa, không trồng tiêu ở những diện tích đất không phù hợp…”.
Có thể bạn quan tâm

Nhập khẩu điều thô của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm tăng hơn hai lần so với cùng kỳ, lên 231.350 tấn, với giá trị là 310 triệu đô la Mỹ, theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas).

Sau 50.000 tấn hành tím Vĩnh Châu tồn đọng, nay đến lượt trên dưới 1.000 hécta ổi của nông dân huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng rớt giá thê thảm khiến nhiều người phải chặt bỏ.

Cam kết thu mua theo thị trường, trong trường hợp vải rớt giá, doanh nghiệp đảm bảo với nông dân sẽ tiêu thụ với giá tối thiểu 10.000 đồng mỗi kg.

Các nhà phân phối tôm tại Mỹ đang cố gắng giải quyết hàng tồn kho và cho biết, giá tôm đã chạm đáy nhưng vẫn chưa thu hút được khách hàng quay lại vì sự biến động giá gần đây khiến họ thận trọng.

Ngày 5/5/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.