Nâng Cao Hiệu Quả Sản Xuất Nông Nghiệp

Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống dân sinh thì việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên đầu diện tích đã và đang là đòi hỏi mà ngay cả ngành quản lý đến người sản xuất cần thực hiện.
Đối với tỉnh ta, trong những năm qua việc nâng cao giá trị sản xuất luôn được chú trọng. Được sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp nói chung nhiều nông hộ ở các địa phương trong tỉnh đã chọn, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất… để đạt hiệu quả về sản lượng và giá trị như mô hình sản xuất lúa, bắp lai giống; mô hình trồng nho xanh, táo… Đơn cử như về sản xuất lương thực, trong đó cây lúa là chủ lực, sau 20 năm năng suất tăng từ 37 tạ/ha (năm 1992) lên trên 61 tạ/ha (tính đến vụ đông-xuân năm 2012). Hay như mô hình trồng táo đã cho thu nhập không dưới 600 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung toàn tỉnh thu nhập bình quân đạt trên dưới 55 triệu đồng/ha/năm. Vì sao ?
Có nhiều nguyên nhân làm cho thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chưa “bật” lên được, đầu tiên có thể nói bình quân diện tích/hộ còn thấp, số nông hộ có “đất mẫu” đếm được trên đầu ngón tay. Đã vậy, do thời kỳ làm ăn tập thể trước đây ruộng đất được chia theo nhân khẩu nên dẫn đến manh mún, “lãng phí” nhất là bờ ruộng quá nhiều, hiếm có những cánh đồng mà diện tích ruộng có từ 3 sào trở lên.
Diện tích ruộng hẹp dẫn đến khó thực hiện cơ giới hóa trong các khâu, không những vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trên cánh đồng cũng khó thực hiện… Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là do ruộng đất ít nên nhiều nông hộ ít chú trọng đầu tư để nâng cao hiệu quả mà phần lớn là làm nghề khác để sống…
Để khắc phục một số tình trạng như đã nêu, từng bước tạo lập nên những “cánh đồng mẫu lớn” như một số địa phương trong nước đang thực hiện cần phải có những giải pháp cụ thể, thống nhất trong thực hiện từ ngành nông nghiệp đến các địa phương và nông hộ mà trước tiên theo chúng tôi phải vận động nông hộ “dồn điền đổi thửa”.
Cách làm này vừa tăng diện tích từng thửa ruộng, đất, vừa giảm tỷ lệ bờ bao (thường chiếm đến 15% diện tích). Mặt khác, cần nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả thông qua mối liên kết “4 nhà”, đặc biệt là tạo quan hệ mật thiết giữa nhà nông với doanh nghiệp để tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm…
Để người nông dân thực sự nâng cao thu nhập từ chính ruộng đất hiện có rất cần đến sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp bằng các giải pháp có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Điểm nổi bật về phát triển chăn nuôi thời gian qua là chuyển mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Hiện nay các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu, các cánh đồng bỏ hoang chờ gối vụ, rất thuận lợi cho việc thả trâu không chăn giữ. Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa mưa nên cũng rất thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò lai.

Theo đa số chủ vựa thu mua cà chua, giá cà chua quá thấp thì cả nhà vườn và người buôn đều lỗ. Vựa cà chua Thắng Bảy (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) cũng cho biết: “Chúng tôi cố lắm thì chỉ thu mua cà loại 1, trái to đẹp xuất đi cũng chỉ được gần 1.000 đồng/kg”.

Với khả năng cung ứng mỗi năm 1.000 tấn nếp giống cho hơn 75% nông dân trồng nếp chuyên canh trong huyện và một số vùng lân cận, Tổ liên kết (TLK) sản xuất nếp giống xã Phú Hưng (Phú Tân - An Giang) được bà con ví như vựa giống của huyện cù lao. Không chỉ mạnh về số lượng, TLK sản xuất giống Phú Hưng còn đi đầu về giống nếp CK92 chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất nếp hàng hóa của người dân.

Các giống mía khác cũng có giá thu mua cơ bản 10CCS 900.000 đồng/tấn, có mức trợ giá tương tự hai giống mía trên nhưng mức bảo hiểm chữ đường thấp hơn. Cụ thể, từ đầu vụ thu hoạch đến trước tết Nguyên đán là 8CCS, sau tết là 8,5CCS.