Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Trong Sản Xuất Vụ Đông Ở Thạch Thành

Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi đến thăm, tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của một số cây trồng vụ đông ở xã Thành Hưng. Là xã sản xuất vụ đông khá phát triển của huyện Thạch Thành, với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, như: cây ngô, dưa chuột xuất khẩu, rau màu các loại...
Anh Vũ Văn Thông, thôn 3, cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình trồng 4 sào ngô, hơn 1 sào rau màu các loại, do thời tiết thuận lợi nên cây trồng đang phát triển tốt, mọi năm năng suất ngô đạt 2,5 tạ/sào, rau màu thu nhập hơn 35 triệu đồng/sào/vụ.
Gia đình đầu tư trồng ngô vì cây ngô ngoài thu hoạch hạt, lá còn làm thức ăn để chăn nuôi bò, thân cây và bẹ của bắp dùng làm chất đốt. Do vậy, để cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, anh Thông mong muốn Nhà nước, doanh nghiệp liên kết cùng bà con nông dân đầu tư giống có chất lượng, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định ngay từ đầu vụ.
Rời xã Thành Hưng, chúng tôi đến xã Thành Tiến, không khí sản xuất vụ đông của bà con nơi đây khá nhộn nhịp. Chị Bùi Thị Huệ, thôn 4, cho biết: Vụ đông năm ngoái, gia đình trồng hơn 1 sào dưa chuột xuất khẩu, thu nhập hơn 45 triệu đồng. Vụ đông năm nay, gia đình mượn thêm đất của bà con thôn 2 để trồng hơn 4 sào dưa chuột xuất khẩu. Mỗi sào trồng dưa đầu tư khoảng 2 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Nhưng chắc chắn hiệu quả kinh tế của cây dưa chuột xuất khẩu sẽ cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Đồng chí Trịnh Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tiến, cho biết: Là địa phương nằm trong vùng hay bị thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa, nên những năm gần đây, xã đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông để bù lại thiếu hụt về kinh tế trong sản xuất vụ mùa; đồng thời, thông qua sản xuất vụ đông để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân. Trong sản xuất vụ đông, xã xác định cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực.
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo đó, xã Thành Tiến đã ký hợp đồng với Công ty Xuất khẩu rau quả Hải Dương về việc cung ứng giống, cho các hộ dân ứng tiền chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm dưa chuột xuất khẩu. Xã cũng đã ký hợp đồng với Hội Nông dân tỉnh trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân triển khai trồng cây bí xanh.
Vụ đông năm 2014 – 2015, xã gieo trồng 116,9 ha cây trồng, tăng hơn vụ trước 20,2 ha. Trong đó, cây ngô 60,5 ha, dưa chuột xuất khẩu 13 ha, bí xanh 10,4 ha, đậu tương 7 ha, rau màu các loại 26 ha. Thực tế sản xuất vụ đông năm 2013 – 2014, cho thấy: Cây ngô thu nhập 28 triệu đồng/ha/vụ, cây dưa chuột xuất khẩu 100 triệu đồng/ha, bí xanh 70 triệu đồng/ha..., rau màu các loại 60 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích và phấn đấu đạt 150 ha có khả năng đưa vào trồng cây vụ đông. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng ở xã Thành Tiến hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, vụ đông 2014 – 2015 diện tích gieo trồng các loại cây đạt 1.289,7 ha; trong đó, cây ngô 815,1 ha, bí xanh 50 ha, rau màu các loại 377,7 ha, đậu tương 28 ha... Theo đánh giá của huyện, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất vụ đông.
Diện tích gieo trồng cây vụ đông năm sau đều cao hơn năm trước; nhiều đơn vị năng động, sáng tạo, đưa nhiều cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Huyện, các xã, thị trấn đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm của một số cây trồng cho nông dân, nên hiệu quả kinh tế ngày càng tăng. Vụ đông 2014 – 2015, Công ty Chế biến thức ăn bò sữa Hải Phòng, Công ty Bò sữa Yên Phú (Ninh Bình), Công ty CP Sữa TH (TH True Milk) Nghệ An, ký hợp đồng với bà con nông dân nhiều xã trồng hơn 300 ha cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, với giá hợp đồng thu mua 650.000 đồng/tấn sản phẩm.
Các công ty cung ứng giống, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và dự kiến năng suất cây ngô làm thức ăn chăn nuôi đạt 2 tấn đến 2,5 tấn/sào.
Đồng chí Trịnh Văn Chất, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông bảo đảm kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời gian tới, huyện chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông phù hợp với khí hậu và đồng đất của từng xã, thị trấn.
Chú trọng phát triển những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục đấu mối với các doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng với bà con nông dân trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu (XK) chè của Việt Nam đã gặp phải tình trạng chè đã xuất đi bị trả lại. Đây là hệ lụy của hệ thống sản xuất và quản lý nhiều vùng chè còn bất cập.

Câu chuyện các tổ chức, các bộ, ban, ngành liên quan đứng lên kêu gọi người dân mua ủng hộ nông sản Việt thời gian qua là nguồn động viên thiết thực, góp phần gỡ khó cho nông dân. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp căn cơ thì có lẽ kịch bản đó rất có thể lặp lại.

Trong khi các cơ quan chức năng đang đôn đáo tìm giải pháp tiêu thụ khi vải thu hoạch rộ thì trên thị trường lặp lại nghịch cảnh giá quả đầu vụ đắt đỏ dù chưa ngon.

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả và bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn.
Giai đoạn đầu mới thành lập, các nông - lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao quản lý một lượng lớn diện tích lớn đất rừng, đất sản xuất. Tuy nhiên, khi thay đổi cơ chế quản lý từ bao cấp sang kinh tế thị trường, các nông lâm trường phải tự hạch toán kinh doanh, chuyển thành các công ty nông, lâm nghiệp, sau đó thực hiện cổ phần hóa thì vấn đề quản lý sử dụng đất đã nảy sinh nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy.